Bảo vệ trẻ em không chỉ dừng ở xử lý các vụ việc

Chiều 5-6, tham gia giải trình tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 'vấn đề bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc mà còn phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em'.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ sự bức xúc của các đại biểu trước tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục xảy ra nghiêm trọng thời gian qua.

Việt Nam nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng rất đầy đủ. Theo luật có tới 17 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực này.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “vấn đề của chúng ta là không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Ví dụ, Điều 72 Luật Trẻ em có quy định về người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cấp xã, thì quy định trách nhiệm là chúng ta phải chỉ định người đó là ai, chỉ định xong rồi thì tập huấn bởi người đó có 5 kỹ năng mà luật định nghĩa. Tuy nhiên đến nay số tỉnh thực hiện được điều này còn rất ít.

Rồi việc giải quyết nguồn lực để đảm bảo cho công tác bảo vệ trẻ em thông qua y tế và giáo dục thì từ trước đến nay làm vẫn tốt, nhưng luật có quy định là còn thông qua chương trình bảo vệ trẻ em thông qua ngày lao động thì cũng chưa đến nửa số địa phương đưa ra hội đồng nhân dân để làm việc này”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Vấn đề bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc mà còn phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em”. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Vấn đề bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc mà còn phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em”. Ảnh: Quochoi.vn

“Tôi nghĩ tới đây, khi hội nghị tổng kết, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ nội dung này trên tinh thần kiểm điểm, việc gì làm được thì nói được, việc gì không nói không. Tôi rất mong, đây có các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đoàn thể thì sau đây công tác bảo vệ trẻ em mình sẽ lo được phần phòng ngừa, chưa nói đến hỗ trợ và can thiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các ngành có liên qua về các giải pháp để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có mấy vấn đề quan trọng. Đó là phải tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt trong luật quy định rất rõ là trách nhiệm của các bộ, ngành, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về vấn đề này.

Tập trung xử lý, giải quyết những vụ việc xảy ra một cách nghiêm minh và nhanh chóng nhất. Vấn đề này theo Bộ trưởng thời gian vừa qua còn những tồn tại nhất định. Cùng với đó, tăng cường các dịch vụ công bảo vệ trẻ em, nhất là hoạt động của dịch vụ 11, dịch vụ này phản ánh rất nhanh và kết nối toàn bộ với các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã thời gian tới cũng như Bí thư đoàn các xã để phản ứng nhanh, khi có tình huống xảy ra.

Nhấn mạnh nhiều trường hợp thủ phạm xâm hại trẻ em là người thân, người quen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần tăng cường giáo dục truyền thông trong gia đình. Tăng cường trách nhiệm của bố, mẹ, anh, chị trong gia đình cùng với nhà trường và xã hội.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, chưa thấy giải pháp nào đủ mạnh. Đại biểu nhấn mạnh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khá đặc biệt, khá đặc thù, khó phát hiện. Đặc biệt bằng chứng thường mất dần theo thời gian. Thời gian ở đây tính theo từng phút, từng giờ chứ không phải tính theo ngày, tháng. Do đó việc tiếp cận tin báo, xử lý tin báo, xử lý tố cáo, quá trình xét xử phải nhanh, mạnh mẽ mới có được bằng chứng kết tội thủ phạm.

Chưa kể đối tượng bị hại là cháu bé, khi không may rơi vào trường hợp này, các cháu thường có tâm lý hoảng loạn, khó lấy lời khai. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan tố tụng cũng còn khác nhau như vụ Nguyễn Khắc Thủy (Vũng Tàu), tòa sơ thẩm xử 3 năm tù, toaf phúc thẩm giảm từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo, sang đến giám đốc thẩm lại xử 3 năm tù.

“Rõ vấn đề quan tâm của chính quyền, của cơ quan tố tụng vẫn chưa đảm bảo, cũng như vấn đề của xã hội, của gia đình vẫn chưa hợp lý trong vấn đề bảo vệ các em chống nạn xâm hại tình dục”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%. Việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/bao-ve-tre-em-khong-chi-dung-o-xu-ly-cac-vu-viec-116592.html