Bảo vệ trẻ em bị xâm hại: Đừng để thủ tục làm khó

Trong vụ việc cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội (HTXH) TP HCM dâm ô trẻ em mới đây, vấn đề chậm trễ trong quá trình xử lý thông tin trình báo là câu chuyện được giới truyền thông quan tâm nhất.

Thủ tục rườm rà khiến trẻ em bị xâm hại khó được bảo vệ kịp thời.

Thủ tục rườm rà khiến trẻ em bị xâm hại khó được bảo vệ kịp thời.

Theo đó, nhiều bé gái dưới 16 tuổi tại Trung tâm đã tố cáo bị ông Nguyễn Tiến Dũng dâm ô; nạn nhân trình báo ngày 8/11/2019 nhưng phải gần 10 ngày sau khi báo chí lên tiếng thì công an mới vào cuộc điều tra?

Thỏa thuận không được mới tố giác!

Có thể thấy vấn đề chậm trễ trong khâu tiếp nhận, xử lý thông tin các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em không phải là chuyện hiếm.

Trong báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015 – 2019 vừa qua, chính quyền TP HCM cho biết có tới 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (43 trẻ em trai và 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục.

Hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác (bắt cóc, chiếm đoạt,…) và độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 (phần lớn là trẻ em gái).

Dù vậy, các con số thống kê có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do yếu tố văn hóa, nhiều gia đình chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại còn hạn chế.

Việc điều tra, xử lý loại tội phạm này đang gặp khó khăn, bởi một số vụ việc không được trình báo ngay sau khi được phát hiện mà hai bên tự thỏa thuận với nhau, đến khi thỏa thuận không được thực hiện thì gia đình nạn nhân mới tố giác. Khi đó, tài liệu chứng cứ, các dấu vết liên quan đã bị mất hoặc khó thu thập để chứng minh tội phạm hoặc đối tượng đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét.

Trong các vụ việc có đối tượng gây án là người thân của nạn nhân, nạn nhân không biết chữ, chưa nhận thức, ghi nhớ được diễn biến sự việc, nhiều gia đình lấy lý do sợ xấu hổ không trình báo hoặc sợ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ em nên cung cấp thông tin hạn chế, không đầy đủ hoặc chuyển đến nơi khác cư trú mà không để lại thông tin liên lạc, không cho cơ quan điều tra tiếp xúc làm việc với nạn nhân.

Có trường hợp, sau một thời gian tố giác tội phạm, gia đình nạn nhân gửi đơn rút tố giác, đề nghị không xử lý vụ việc, không hợp tác với cơ quan điều tra gây ra nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ để khởi tố điều tra…

Vì sao người dân ngại tố cáo?

Là vấn đề đã và đang khiến nhiều địa phương băn khoăn. Cụ thể, UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: Tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn quận xảy ra 19 trường hợp trẻ em bị xâm hại, nạn nhân có độ tuổi từ 11 đến 15.Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 17 vụ với 17 bị can, 1 vụ đình chỉ vì chưa đủ chứng cứ, xử phạt hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng.

Từ thực tế ở quận Thốt Nốt cho thấy, việc xử lý tội xâm hại tình dục trẻ em hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc tiếp nhận, giải quyết tin tố giác của người dân về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được kịp thời, nhanh chóng. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử thường bị kéo dài.

Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho nạn nhân, người có liên quan. Từ đó, người bị hại và gia đình người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên sau khi xảy ra sự việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu giếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm xâm hại trẻ em. Trao đổi với truyền thông, bà Lê Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, UBND quận kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn quy định phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các ngành và ngành với địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quay lại với câu chuyện của chậm trễ trong quá trình xử lý thông tin trình báo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM liên quan đến vụ việc tại Trung tâm HTXH TP HCM, tại buổi họp báo, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết ngày 8/11/2019 Sở tiếp nhận thông tin, công an tiếp nhận thông tin ngày 15/11.

Đến ngày 17/11, hai bên mới phối hợp để cùng xử lý vụ việc. Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội - Sở LĐTB&XH TP HCM khẳng định Đoàn Thanh tra dự kiến sáng 18/11 báo cáo lãnh đạo Sở nhưng đến ngày 17/11, Sở thấy đã đủ thông tin và tiến hành xử lý vụ việc.

Nhiều câu hỏi được đưa ra chất vấn lý do Sở không lập tức chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công an điều tra mà phải đợi đến sáng 17/11, sau khi báo chí đã đăng thông tin phản ánh, khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ rằng liệu Sở LĐ-TB&XH có bao che cho hành vi dâm ô trẻ em.

Tuy nhiên, bà Phụng vẫn khẳng định “không có chuyện bao che” và giải thích rằng bút phê văn bản giao cho bà Phụng tham mưu cho lãnh đạo Sở. “Muốn hay không muốn đến thứ hai tôi phải báo cáo Sở. Trước khi trình, tôi phải thu thập thông tin, trình Thường trực Đảng ủy Ban Giám đốc và đề xuất phương án. Sau đó làm thế nào thì phải do Ban lãnh đạo Sở quyết định” - bà Phụng giải thích.

Từ câu chuyện ở Sở LĐ-TB&XH TP HCM cũng như ở UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, có thể thấy một công đoạn giải quyết vụ việc tuy rất “đúng quy trình” đã và đang là thực tế diễn ra khiến cho nạn nhân và gia đình cảm thấy e ngại, phiền hà, ngại tố giác, chọn con đường im lặng chịu đựng hoặc bỏ qua. Và từ đó, công lý không được thực thi, kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và những đứa trẻ là nạn nhân sẽ chịu ám ảnh tâm lý suốt cuộc đời.

Tham gia talkshow “Tay phải - tay trái hay sự vô cảm của nạn yêu râu xanh” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức, là người theo đuổi vụ việc của bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm ở Chương Mỹ, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhận xét: Trong bất kỳ vụ án nào, chứng cứ vật chất buộc phải có nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã khá máy móc khi tiếp nhận thông tin của người bị hại. Việc trưng cầu giám định mất hơn 10 ngày, trong khi những chứng cứ, dấu vết trên thân thể người bị hại mất đi rất nhanh.

Nếu không thu thập ngay, không đưa giám định ngay thì ngay ngày hôm sau chứng cứ đã mất hết. Nếu cơ quan công an vẫn đi theo lối mòn như vậy, việc chứng minh sự thật vụ án bị ảnh hưởng rất nhiều. Không có chứng cứ vật chất, khi cơ quan tố tụng muốn sử dụng căn cứ pháp lý để kết tội đối với bị can, bị cáo rất là khó khăn.

Cũng theo Luật sư Hùng, cách làm của cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay thường là lấy lời khai từng người và đợi ngày này qua ngày khác mới lấy lời khai thì tính khách quan, cấp thiết và sự thật sẽ bị mai một đi. Trong khi đó, theo Luật sư Hùng, lời khai ban đầu mang tính khách quan nhất, chính xác nhất, cần lấy sớm bởi những lời khai sau đó thường ít nhiều bị tác động của rất nhiều yếu tố khiến lời khai không còn tính khách quan.

Để những vụ án xâm hại tình dục không bị kéo dài quá lâu, Luật sư Hùng kiến nghị, khi tiếp nhận thông tin ban đầu, cơ quan tiến hành tố tụng nên áp dụng biện pháp rút gọn, đưa nạn nhân đi kiểm tra và giám định ngay mà không phụ thuộc vào việc cơ quan tiến hành tố tụng có ban hành quyết định như phân công điều tra viên, kiểm soát viên, trưng cầu giám định… hay không? Luật cũng nên quy định rõ ràng thời gian tối đa bao lâu phải lấy lời khai của bị hại, bị can? Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng nên áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời để đảm bảo việc tố tụng cũng như thi hành án sau này.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM): “Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành quy định thời hạn, thủ tục, trình tự khởi tố vụ án hình sự chung cho tất cả các loại tội phạm mà không có sự khác nhau giữa người bị hại là trẻ em và người lớn. Vì vậy, có nhiều vụ án cơ quan điều tra để kéo dài, đến khi bắt đầu xác minh, điều tra thì khó thu thập chứng cứ.

Lý do bởi đặc thù riêng biệt của những vụ án xâm hại trẻ em (cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu…) là chứng cứ trực tiếp yếu (không có người chứng kiến, không bắt được quả tang…); sự việc được phát hiện khi hành vi vi phạm đã kết thúc; phát hiện qua lời kể lại của bị hại…

Bên cạnh đó, đa số bị hại vì còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Bị hại không cung cấp được thông tin chính xác cho cơ quan điều tra nên không có căn cứ để khởi tố vụ án”.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em càng rút ngắn thời gian càng tốt để giảm thiểu sự đau đớn về mặt tinh thần cho người bị hại và gia đình. Người dân cũng cần nhận thức rõ là việc tố cáo tội phạm này là cần thiết, có như thế mới ngăn chặn sự gia tăng của loại tội phạm này”.

X.Hoa (tổng hợp)

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/bao-ve-tre-em-bi-xam-hai-dung-de-thu-tuc-lam-kho-480474.html