Bảo vệ thương hiệu

Trước việc thương hiệu gạo ST25 ngon nhất thế giới đã bị 5 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, dư luận không khỏi lo lắng trước nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ dưới mác nhãn hiệu ST25.

Mặc dù, cả 5 đơn vị đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái “đang chờ xử lý”, có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ. Nhưng nguy cơ gạo ST25 bị mất thương hiệu đang hiện hữu, nếu doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời có các động thái bảo vệ, bảo hộ thương hiệu.

Theo chuyên gia về sở hữu trí tuệ, nguyên tắc của luật pháp Mỹ và một số quốc gia trong vấn đề sở hữu trí tuệ là ưu tiên cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu chứ không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký như quy định của Việt Nam.

Khi một doanh nghiệp đăng ký sở hữu một nhãn hiệu thì các doanh nghiệp khác không được sử dụng lại nhãn hiệu đó, không được đăng ký trùng lặp.

Đây là lý do các nhà nhập khẩu gạo ST25 tại Mỹ có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 nếu doanh nghiệp Việt Nam không cung cấp được bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường...

Sự cố trên không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, vì gạo ST25 chiếm tỉ trọng lên đến 98% tại thị trường này. Chỉ riêng trong quý I-2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1.900 tấn gạo ST25, vượt xa lượng xuất khẩu của cả năm 2020 (hơn 1.200 tấn).

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ. Hiện, cơ quan này đã giới thiệu một số chuyên gia có năng lực để giúp ông Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của thương hiệu gạo ST25 khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ để được bảo hộ.

Câu chuyện “tranh chấp” nhãn hiệu không còn là vấn đề mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bài học nhãn tiền từ các thương hiệu Vinataba, Trung Nguyên, Vinamit... đã từng mất thương hiệu ở nước ngoài và các doanh nghiệp chủ sở hữu sản phẩm đó phải tốn nhiều năm cùng nhiều tiền của mới đòi lại được thương hiệu hiện vẫn còn “nóng hổi” đối với các doanh nghiệp Việt khi bước ra “sân chơi” toàn cầu.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tên miền các nhãn hiệu liên quan đến các sản phẩm của họ ngay khi sản phẩm chưa xuất xưởng. Thế nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức bảo hộ cho nhãn hiệu, sản phẩm của mình, thậm chí không rành pháp luật về lĩnh vực này. Mặt khác, hồ sơ, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường ngoại rất phức tạp, mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia tư vấn, khiến doanh nghiệp dễ bị nản.

Các chuyên gia khuyến cáo, thị trường nào cũng yêu cầu đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ; xuất khẩu sản phẩm đến thị trường nào thì doanh nghiệp phải đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường, quốc gia đó, thậm chí trước khi quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Bởi, trong lĩnh vực này, hễ chậm trễ, sơ hở là mất cơ hội. Mặt khác, trách nhiệm bảo hộ thương mại trên thế giới là trách nhiệm của doanh nghiệp vì sản phẩm không thuộc tài sản quốc gia.

Quan điểm của Cục Xúc tiến thương mại cũng nêu rõ: Vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ tại thị trường trong và ngoài nước cần sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ thông tin chứ không can thiệp được.

Rõ ràng, để tránh những phiền toái pháp lý như gạo ST25 đang gặp phải, doanh nghiệp Việt muốn được bảo hộ thương hiệu tại thị trường quốc tế buộc phải đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm của mình theo quy định chung của quốc tế.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-thuong-hieu-post439266.html