BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN - CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ MẠNH

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Theo đó, việc công bố thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của thí sinh.

Bộ cung cấp dữ liệu điểm thi cho các cơ quan báo chí để đăng tải phục vụ thí sinh tra cứu điểm thi, không chia sẻ dữ liệu này cho bên thứ ba và không sử dụng cho mục đích khác. Cách làm rất đáng hoan nghênh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được nhân rộng với cam kết "không chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba và không sử dụng cho mục đích khác". Việc bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề được quan tâm và ngày càng được coi trọng. Lâu nay, tình trạng lộ lọt, thậm chí mua bán thông tin cá nhân đã gây ra nhiều phiền phức, hệ lụy xã hội.

 Ảnh minh họa/ictnews.vietnamnet.vn

Ảnh minh họa/ictnews.vietnamnet.vn

Rất đơn giản, chỉ cần một thao tác trên mạng gõ vào Google những cụm từ, như: “Mua data khách hàng”, “mua danh sách khách hàng”, “mua thông tin khách hàng”... lập tức hàng loạt danh sách hiện ra với rất nhiều lời mời mua bán hấp dẫn. Thông tin về đối tượng khách hàng nào cũng có, như: Nhóm khách VIP, nhóm là nhà khoa học, người có chức vụ, nhóm doanh nhân, nhóm có thu nhập cao, các ngành nghề, các công ty... Việc mua bán cứ chuyển tiền là có. Từ những thông tin cá nhân như: Tên tuổi, công việc, địa chỉ, số điện thoại, email, đến những thông tin nhạy cảm, như: Chức vụ, con cái, người thân, tài sản... đều đã bị sử dụng với mục đích thương mại; kéo theo sau là hàng loạt hệ lụy với cá nhân. Không chỉ là những cuộc gọi điện thoại, gửi email, thư rác gây phiền phức như chào bán nhà đất, sản phẩm bảo hiểm, mời học, cho vay..., nguy hiểm hơn, việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sự an toàn của cá nhân và người thân của họ nếu thông tin bị rơi vào tay kẻ xấu.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học công nghệ phát triển mạnh như hiện nay thì thông tin cá nhân được xem là tài sản, là “tài nguyên” rất có giá trị nên nó đã bị biến tướng sang mục đích thương mại để thu lợi. Những việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người. Đây cũng là hành vi vi phạm quyền nhân thân của con người, vi phạm pháp luật.

Luật pháp của Nhà nước ta quy định rất rõ: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là quyền bất khả xâm phạm. Quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Hiến pháp quy định rất rõ như vậy, nhưng vì sao hàng loạt thông tin cá nhân vẫn bị lộ lọt, bị mua bán? Từ thực trạng này đặt ra vấn đề cần phải siết chặt trong quản lý thông tin cá nhân. Thực tế việc mua bán, lộ lọt thông tin cá nhân cho thấy, việc thực thi các chế tài pháp luật trong lĩnh vực này còn vướng mắc. Nhiều đơn vị, tổ chức vẫn chưa tuân thủ nghiêm chỉnh việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Điều này đặt ra vấn đề cần có những cam kết pháp lý, các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận thông tin cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ, bảo mật thông tin đó và chỉ được phép sử dụng thông tin cá nhân vào đúng mục đích. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển cho thấy, bảo mật thông tin cá nhân, thông tin khách hàng được yêu cầu rất cao, có nguyên tắc rõ ràng và được giám sát bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Cùng với đó, chính mỗi cá nhân cũng phải có ý thức, quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình, không thể dễ dãi, tùy tiện khai báo, chia sẻ. Ở góc độ quản lý nhà nước, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng chúng ta cần phải có một bộ luật về vấn đề này.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-ve-thong-tin-ca-nhan-can-hanh-lang-phap-ly-manh-633253