Bảo vệ tế bào kinh tế

Mỗi ngày tôi đều nhận nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm về tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM - nơi tôi sinh sống. Trong số đó có không ít người đang làm việc ngay tại TPHCM hoặc các tỉnh thành lân cận.

Cả ngày đầu tắt mặt tối, hết giờ làm việc là lao về lo chuyện con cái, gia đình, cơm nước… nên họ ít có thời gian cập nhật thông tin về dịch. Điều làm họ lo ngại là dịch khiến nhà máy nơi họ làm việc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc họ sẽ mất việc làm, mất nguồn thu nhập và cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn.

Mối lo các nhà máy bị dịch tấn công phải ngưng hoạt động là có thật. Thực tế dịch đã thâm nhập vào một số khu công nghiệp ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì đặc trưng hoạt động tập trung đông người trong cùng một khung giờ, nhiều công đoạn sản xuất có cự ly tiếp xúc gần và thường xuyên nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Dù chủ doanh nghiệp và cơ quan chức năng rất nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan trong nhà máy, nhưng không đảm bảo sẽ loại trừ được tất cả các nguy cơ. Phần lớn người lao động trong các khu công nghiệp sống tập trung, thậm chí chen chúc trong khu trọ chật chội, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh còn nhiều hạn chế. Họ vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng cũng là người mang nhiều nguy cơ “truyền dịch” từ khu dân cư, khu trọ vào nhà máy. Chưa kể, vẫn còn đâu đó những người thiếu ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, dù mang trong người mầm bệnh nhưng vẫn “hồn nhiên” đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Sự an toàn của những nhà máy đã trở nên hết sức mong manh.

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ trong năm 2021 là từ 6% đến 6,5%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đạt được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố then chốt là: hiệu quả phòng, chống dịch, hiệu quả các gói hỗ trợ, và hiệu quả hợp tác kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. “Cỗ xe tam mã” của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Hai “cỗ xe” đầu phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sản xuất hàng xuất khẩu.

Ngoài đóng góp về xuất khẩu, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đóng góp không nhỏ vào ngân sách quốc gia và không ngừng gia tăng hàng năm. Riêng giai đoạn từ 2016 - 06/2019, các doanh nghiệp này đã đóng góp gần 12,1 tỷ USD ngân sách. Các doanh nghiệp này cũng giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và nhiều hơn thế về lao động gián tiếp.

Do vậy, bảo vệ các khu công nghiệp trước nguy cơ tàn phá của dịch COVID-19 là nhiệm vụ tối quan trọng trong lúc này. Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh là một tế bào của nền kinh tế. Sự mất an toàn mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đồng nghĩa sự an toàn của cả nền kinh tế bị đe dọa.

Đại Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-ve-te-bao-kinh-te-post1342538.tpo