Bảo vệ tập trung, miễn dịch cộng đồng

Việc đóng cửa để ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên khắp thế giới đã và đang gây ra những tác hại nặng nề về kinh tế-xã hội và thậm chí cả về y tế.

Mới đây, 3 bác sĩ là các giáo sư về dịch tễ, kinh tế y tế, y tế cộng đồng đến từ những trường đại học danh giá trên thế giới, đã ký “Tuyên bố Great Barrington”, kêu gọi thay đổi cách ứng phó dịch Covid-19 của các chính phủ trên khắp thế giới, để làm sao vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa ít gây thiệt hại cho đời sống kinh tế-xã hội nhất.

Như chúng ta đã biết, việc đóng cửa để ngăn chặn Covid-19 mà báo chí phương Tây gọi là “Đại Đóng cửa” (Great Lockout - nhại tên của Đại suy thoái), đã gây ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển nhất như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Á… Những tưởng những mất mát về kinh tế, những bất ổn về xã hội là cái giá cần phải trả để giữ an toàn cho sức khỏe, sinh mạng của người dân. Thế nhưng, theo các Giáo sư trong Tuyên bố Great Barrington, các chính sách đóng cửa hiện tại thậm chí “đang tạo ra những tác động tàn phá đến sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn”.

Cụ thể, tình trạng đóng cửa đã dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, khiến chúng có nguy cơ phơi nhiễm nhiều loại bệnh nguy hiểm hơn. Việc đóng cửa cũng giảm tỷ lệ người dân đi khám bệnh và kết quả là giảm khả năng sàng lọc xác định ung thư và các bệnh nguy hiểm hơn. Đóng cửa trên diện rộng cũng làm “bệnh tim mạch tồi tệ hơn” và “sức khỏe tâm thần suy giảm”. Những thực trạng này, theo Tuyên bố Great Barrington, sẽ dẫn đến “tỷ lệ tử vong cao hơn trong những năm tới”. Và giới lao động và các thành viên trẻ hơn trong xã hội chính là những người “phải gánh chịu nặng nề nhất”.

Một điều phi lý, theo các Giáo sư, là trong khi nguy cơ tử vong do Covid-19 ở người già và ốm yếu cao hơn gấp hàng ngàn lần so với người trẻ, nhưng chính những người trẻ, mà đặc biệt là học sinh-sinh viên lại là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất đối với việc đóng cửa, trong đó nghiêm trọng nhất là việc đóng cửa trường học.

Tuyên bố Great Barrington khẳng định đối với trẻ em, Covid-19 ít nguy hiểm hơn nhiều so với các tác nhân gây hại thông thường khác, kể cả bệnh cúm mùa. Vì vậy, thật phi lý và bất công khi buộc những thành viên ít nguy cơ nhất với Covid-19 lại phải chịu nhiều tổn thất nhất với cách ngăn chặn đại dịch hiện hành. “Giữ nguyên các biện pháp này cho đến khi có vắc-xin sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được” - Tuyên bố Great Barrington kết luận.

Vì vậy, tuyên bố đề xuất một giải pháp thay thế, được gọi là “Bảo vệ Tập trung” (Focused Protection). Nền tảng của giải pháp này dựa trên miễn dịch cộng đồng, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ để dịch bệnh ít có cơ hội truyền nhiễm cho những thành viên dễ bị tổn thương với Covid-19 nhất, gồm những người lớn tuổi và có bệnh lý nền nguy hiểm. Đây chính là những thành viên được “tập trung bảo vệ”.

Trong khi đó, các thành viên ít nguy cơ với dịch bệnh sẽ được phép làm việc, sinh sống như bình thường để gia tăng khả năng miễn dịch trong dân số. Trong giải pháp “Bảo vệ Tập trung”, việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương phải là mục tiêu trọng tâm của các phản ứng sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19. Ví dụ, các viện dưỡng lão nên sử dụng nhân viên có khả năng miễn dịch và thực hiện xét nghiệm PCR thường xuyên đối với các nhân viên khác và tất cả những người đến thăm. Cần hạn chế tối đa việc luân chuyển cán bộ.

Những người đã nghỉ hưu nhưng sống ở nhà nên có người mua hộ hàng hóa và các nhu yếu phẩm để họ khỏi phải ra khỏi nhà. Và những thành viên lớn tuổi trong gia đình nên hạn chế (hoặc không) tiếp xúc với các thành viên trẻ. Trong khi những thành viên dễ tổn thương cần được tập trung bảo vệ, thì những người không/ít bị tổn thương nên được cho phép trở lại cuộc sống như bình thường, đi kèm với các biện pháp vệ sinh phòng dịch đơn giản, như “rửa tay và ở nhà khi bị nhiễm bệnh” để giảm ngưỡng miễn dịch của cộng đồng.

Tuyên bố Great Barrington cho rằng các trường học và đại học nên mở cửa để giảng dạy trực tiếp. Các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn thể thao, nên được tiếp tục. Thanh niên có nguy cơ nhiễm thấp nên làm việc bình thường, thay vì ở nhà. Các nhà hàng và các doanh nghiệp khác nên mở. Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và các hoạt động văn hóa khác nên tiếp tục.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/bao-ve-tap-trung-mien-dich-cong-dong-84730.html