Bảo vệ sức khỏe thế nào trong 'mùa ô nhiễm'?

Theo quy luật diễn biến chất lượng không khí hằng năm tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông.

Chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục ở mức xấu. Ảnh: moitruongthudo.vn.

Chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục ở mức xấu. Ảnh: moitruongthudo.vn.

Đặc biệt, ban đêm là thời điểm không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất. Khi ra đường, người dân cần đeo khẩu trang và không nên tập thể dục vào gần sáng hoặc tối.

Ô nhiễm tăng cao vào mùa đông

Nhiều ngày nay, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) tại Hà Nội thường xuyên duy trì ở mức màu đỏ hoặc màu tím.

Đến 9 giờ sáng ngày 11/12, theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội, ô nhiễm không khí tại các khu vực phổ biến ở ngưỡng màu đỏ. Ở mốc chỉ số này, những người bình thường bắt đầu gặp ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong khi đó, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Tham khảo thêm trên các ứng dụng cập nhật chỉ số AQI như Pam Air và IQ Air, nhiều nơi còn đạt đến ngưỡng màu tím, thậm chí màu nâu nguy hại. Theo Pam Air, mức chỉ số ở Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) là 427 - ngưỡng nguy hiểm…

Đến ngày 14/12, Hà Nội đã trải qua gần một tuần xuất hiện những đợt ô nhiễm không khí. Sự ô nhiễm được thể hiện rõ qua các dấu hiệu như trời âm u, mù sương, không khí đặc quánh. Thậm chí, không ít người cảm nhận rõ sự ngột ngạt, khó chịu của không khí. Tuy nhiên, ngày 15/12, chất lượng không khí tại Hà Nội đã trở về ngưỡng “trung bình”.

Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế, nhận định: “Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang chịu một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu mùa đông năm nay”.

Kết quả đo vào tháng 11 và đầu tháng 12 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.

“Bụi trong không khí nói chung và bụi PM2.5 thường phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy điện than, nhà máy xi măng, các hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ trong nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt tại các hộ gia đình (đặc biệt là đun nấu và sưởi ấm bằng than, củi)”, PGS Nga giải thích.

Chuyên gia này cảnh báo, tình trạng ô nhiễm có thể gia tăng theo nhiễu động không khí do thay đổi thời tiết. Bởi, theo quy luật diễn biến chất lượng không khí hằng năm tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông.

PGS Nga dự đoán, ban đêm là thời điểm không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất. Vì đêm không khí lạnh hơn đẩy chất ô nhiễm xuống. Từ đó, khiến chúng tích tụ nhiều hơn vào ban đêm tới gần sáng. Ngoài ra, vào ban đêm, các nhà máy điện than và xi măng cũng phát thải mạnh hơn, xe tải hoạt động nhiều hơn.

“Vật bất ly thân” khi ra đường

Theo thống kê, khoảng 91% dân số toàn cầu hiện sống ở những nơi có chất lượng không khí chưa đáp ứng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, ô nhiễm không khí bên ngoài và trong nhà khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, có hơn 60.000 người chết vì bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính trong năm 2016 đều do ô nhiễm không khí gây ra. Trong khi đó, năm 2017, Việt Nam ghi nhận hơn 52.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí.

“Bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khỏe con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Mỗi ngày, trung bình chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực”, PGS Nga cảnh báo.

Do đó, nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao, mức phơi nhiễm hằng ngày sẽ lớn. Từ đó, làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp và mãn tính.

Chuyên gia này lấy dẫn chứng, có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc phơi nhiễm bụi PM2,5 làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

Một số bệnh do phơi nhiễm với bụi PM2,5 có thể xảy ra bao gồm: Hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Đáng lưu ý, nhóm đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh tim, phổi.

“Người dân cần theo dõi hiện trạng không khí hằng ngày do trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội thông báo. Để biết mức ô nhiễm không khí do bụi PM2,5, người dân có thể theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên phần mềm Airvisual hoặc xem kết quả quan trắc môi trường không khí trên các website về vấn đề môi trường (ví dụ trang moitruongthudo.vn) và bản tin dự báo thời tiết”, PGS Nga khuyến cáo.

Chuyên gia này nhấn mạnh, người dân nên hạn chế ra đường khi có cảnh báo về ô nhiễm không khí tăng cao (mức xấu và rất xấu). Khi ra đường, mọi người nên mang khẩu trang. Nếu không khí được cảnh báo ô nhiễm bụi mịn ở mức nguy hiểm, tốt nhất không ra đường.

Các trường học cũng được khuyến cáo cân nhắc cho trẻ em nghỉ học nếu ô nhiễm quá trầm trọng (mức rất xấu). Đặc biệt, người dân không nên tập thể dục, thể thao vào những thời điểm như gần sáng, buổi tối.

“Nếu nguồn nước ô nhiễm, người ta có thể uống nước tinh khiết. Tuy nhiên, không khí lại khác. Ô nhiễm không khí không thể khống chế được. Do đó, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, không khí bụi mịn ở Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bao-ve-suc-khoe-the-nao-trong-mua-o-nhiem-YHh0ts1GR.html