Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai đang trong cao điểm mùa khô, thời tiết oi bức và xuất hiện những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, đã gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân.

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, khi ra đường người dân nên trang bị thêm đồ chống nắng. Ảnh: Phương Liễu

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, khi ra đường người dân nên trang bị thêm đồ chống nắng. Ảnh: Phương Liễu

Để tránh những tác động cực đoan của thời tiết, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần có những biện pháp chống nắng tích cực, chủ động bảo vệ sức khỏe, đặc biệt phòng tránh các bệnh về da.

* Khó chịu vì nắng nóng gay gắt

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, hiện Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa khô và khả năng nắng nóng kéo dài đến tận tháng 5. Những năm trước đây, thường bắt đầu từ cuối tháng 1 thời tiết đã nắng nóng (với nhiệt độ không khí trên dưới 370C) và đến giữa tháng 2 mới xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt (nhiệt độ không khí từ 37-390C). Song năm 2021 thì sang đến tháng 3 và tháng 4 mới xuất hiện các đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt (nhiệt độ trên 390C). Khả năng nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài, vì thế người dân cần chủ động công việc, đi lại sao cho càng ít tiếp xúc với nắng trưa càng tốt.

Ông Trần Văn Giàu (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mấy tuần qua, ngày nào coi chương trình dự báo thời tiết trên tivi tôi cũng thấy cảnh báo một trong những khu vực nắng nóng nhất ở Đông Nam bộ là TP.Biên Hòa. Mà công nhận, trời nóng thật. Thời tiết ngày càng nắng nóng có lẽ do tác động của biến đổi khí hậu, người đông đúc, sống chật chội, bê tông hóa mọi nơi, đặc biệt ở TP.Biên Hòa còn thiếu nhiều mảng xanh. Chẳng hạn ở đường Phạm Văn Thuận, hầu như không có cây xanh, vỉa hè lại nhỏ nên nắng nóng hầm hập từ mặt đường nhựa tràn vào nhà. Buổi trưa ở trong nhà còn thấy nóng nực khó chịu, huống gì người đi ngoài đường hoặc phải làm việc ngoài trời”.

Thường xuyên phải làm việc ngoài trời với nắng nóng từ 39-400C, ông Trần Văn Bảo (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) có 15 năm làm thợ hồ cho biết, mùa mưa thì ế thầu chứ mùa nắng mới là mùa xây dựng. Những ngày nắng gắt như mấy bữa nay, mỗi ngày 10 tiếng phơi nắng trộn hồ, trát vữa, ông cảm thấy rất mệt.

Ông Bảo nói: “Dù uống nước liên tục nhưng cứ vừa uống xong, mấy phút lại khát vì trời nắng nóng làm công việc cực nhọc nên mồ hôi đổ ra như tắm. Nhiều hôm tối về như kiệt sức. Nhưng đó là công việc mưu sinh, phải chấp nhận thôi”.

* Chủ động tránh tác động của nắng nóng

Theo ghi nhận từ 3 bệnh viện tuyến tỉnh là: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ sau Tết Nguyên đán 2021, thời tiết nắng nóng đã làm gia tăng các ca bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp và da. Số lượng ca bệnh tăng trung bình khoảng 30% so với thời điểm trước đó.

Theo đó, những bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa tại 2 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chủ yếu là bệnh nhân lớn tuổi, bị các bệnh nền mãn tính.

Trong ánh nắng mặt trời có chứa tia UV. Nắng càng gay gắt, lượng tia UV càng lớn. Tia UV mang đến 3 tác hại cho con người: Ảnh hưởng đến làn da như làm nhanh lão hóa da, cháy da, sạm nám, có đến 90% nguyên nhân gây ung thư da là do tác hại của tia UV gây nên; gây tổn thương mắt, khi tiếp xúc với ánh nắng lâu và cường độ tia UV cao sẽ làm “bỏng” bề mặt của mắt, làm đục thủy tinh thể, suy hoại võng mạc, thậm chí có thể gây mù lòa; tia UV gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể, gây rối loạn chức năng của một số bộ phận cơ thể, dẫn đến suy giảm miễn dịch, làm cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn.

(Nguồn: Bộ Y tế)

BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện phát sinh các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra như các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm khuẩn hô hấp...

BS Đồng Minh Hùng khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra đường, làm việc trực tiếp ngoài trời vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Nếu phải làm việc giữa nắng nóng, cứ sau 30-45 phút nên vào bóng mát 5 phút để tránh nhiệt độ cơ thể tăng cao, dễ bị choáng, ngất. Nếu có việc phải ra đường, làm việc dưới nắng nên có thêm đồ chống nắng như: mũ, áo, khẩu trang, bao tay... Mỗi khi đi từ ngoài nắng vào, không nên vào ngay phòng máy lạnh hoặc khi từ phòng máy lạnh bước ra nên đứng vài phút ở nơi râm mát để tránh sốc nhiệt, gây nguy hiểm cho tính mạng. Bởi nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột sẽ gây ra thiếu máu não hoặc nhồi máu cơ tim.

Về vấn đề ăn uống, BS Đồng Minh Hùng cho biết, do nắng nóng, cơ thể dễ mất nước nên bổ sung nước cho cơ thể từ 1,5-2 lít nước/ngày/người. Nên ăn thêm các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin C, tránh uống quá nhiều nước đá lạnh. Đặc biệt, mùa nắng nóng cũng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, nên cần bảo quản hợp lý, xử lý kỹ trước khi chế biến và hâm nóng trước khi ăn đối với những thực phẩm để qua 4 tiếng... Ngoài ra, cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, môi trường, người dân nên giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, ở nhà nên mặc đồ rộng rãi, bằng các chất liệu dễ thấm hút mồ hôi.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202104/bao-ve-suc-khoe-khi-thoi-tiet-nang-nong-3051623/