Bảo vệ rừng như bảo vệ chính nguồn sống của mình

Những cây cổ thụ to đến vài người ôm không xuể vẫn sừng sững trong rừng già ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai (Minh Long). Tất cả là nhờ ý thức và sự chung tay bảo vệ của người dân ở nơi này. Nhờ đó mà những cánh rừng nguyên sinh ở Dư Hữu vẫn còn xanh mãi và rừng đã 'trả ơn' nuôi sống biết bao người.

Rừng nguyên sinh của thôn Dư Hữu có tổng diện tích lên đến 97ha, trong đó có hơn 13ha rừng trồng là cây gỗ lim. Từ năm 2012, sau khi Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Long được thành lập, thì tổ tự quản bảo vệ rừng của thôn này cũng được hình thành, với tổng cộng 10 thành viên.

Mỗi người dân là một kiểm lâm viên

Men theo con suối Hố Chày mát lành, với rất nhiều dây leo chằng chịt, chúng tôi mới có mặt tại rừng già, nơi người dân thôn Dư Hữu gọi là “ngôi nhà chung” của làng. Ở đó, những cây cổ thụ mọc thẳng đứng, với thân cây to mà hai người ôm vẫn không xuể. Để giữ được rừng còn như ngày hôm nay, ngoài trách nhiệm của những cán bộ kiểm lâm địa phương, còn có công lao rất lớn của người dân thôn Dư Hữu. Bởi, mỗi người dân ở đây như một kiểm lâm viên chính hiệu.

Trước năm 2012, nạn phá rừng ở huyện Minh Long diễn ra rầm rộ và rừng già của thôn Dư Hữu đứng trước nguy cơ bị lâm tặc triệt tiêu. Hằng ngày, kiểm lâm địa phương phải tuần tra cả đêm lẫn ngày mới ngăn chặn, xử lý được các trường hợp phá rừng. Song, vẫn có không ít khối gỗ được vận chuyển trót lọt và mang đi bán khắp nơi. Không chỉ có gỗ quý bị khai thác trái phép, mà những loài động vật, thực vật quý hiếm khác như heo rừng, nhím, hươu, sóc, sâm cau, lan rừng... cũng bị săn bắn, thu hái gần như kiệt quệ.

Vậy là, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Long được thành lập. Đó cũng là lúc người dân được khoán rừng để bảo vệ. Từ đó, tất cả những người dân của thôn Dư Hữu xác định rằng “mỗi người dân là một kiểm lâm viên”. Họ ra sức bảo vệ rừng như bảo vệ chính nguồn sống của mình.

Giữ rừng già chính là giữ nguồn nước, giữ mạch sống cho người dân trong thôn Dư Hữu, xã Long Mai (Minh Long).

Là già làng có uy tín và cũng là trưởng thôn, ông Đinh Văn Ầy đã tiên phong đứng vào tổ quản lý rừng của địa phương, rồi vận động những người khác tham gia. Đến nay, tổ bảo vệ rừng của thôn đã có hơn 10 hộ và tất cả đều tham gia với tinh thần tự nguyện. Ông Ầy nhớ lại: "Ngày trước, khi lâm tặc lên đây phá rừng, một số người dân vì miếng cơm, manh áo cũng đã “tiếp tay”, làm thuê và gián tiếp trở thành kẻ phá rừng. Nhưng bây giờ thì không. Ai cũng hiểu được tầm quan trọng của rừng, của những cây gỗ lớn, nên ý thức cả rồi. Ví như thằng Đinh Phiên, chỉ mới có 21 tuổi mà cũng xung phong làm thành viên của tổ. Khi nào cần, chỉ cần điện thoại là nó có mặt và sẵn sàng băng rừng mọi lúc để cùng đi tuần tra, bảo vệ".

Phiên bày tỏ: Nếu mỗi người một tay cùng bảo vệ rừng, thì rừng đầu nguồn kia vẫn mãi trường tồn. Mỗi lần theo các chú đi tuần tra, bảo vệ rừng, dù tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng đi hoài cũng quen và thú vị. Có như vậy mình mới hiểu thêm về giá trị của rừng mang lại.

Nguồn lợi từ rừng

"Rừng mang lại rất nhiều nguồn lợi", người dân thôn Dư Hữu nói với nhau như vậy. Kể từ khi người dân thôn Dư Hữu chung tay bảo vệ rừng, thì họ càng nhận ra tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mình. Khi băng qua con suối Hố Chày, đoạn nước chảy xiết từ trong các khe núi, phát hiện những xác cua vụn vỡ còn lại, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Long Mai Trần Quốc Tín vui mừng nói với chúng tôi: “Đây là dấu hiệu của một hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển ở đây. Vì những con thú quý như chồn hương, kỳ đà, nhím vẫn thường hay bắt các con vật như cua, cá ở suối để làm mồi. Mỗi lần đi tuần tra, phát hiện dấu chân hươu, nai, heo rừng... là chúng tôi mừng lắm. Anh em vẫn hay phá bẫy của những người nơi khác đến đây lén lút săn bắn để bảo vệ thú rừng”.

Đi chừng vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp những gốc mây rừng to, được trồng dưới tán rừng đang đến kỳ thu hoạch. Anh Tín bảo: "Mây là nguồn lợi đầu tiên mà người dân hưởng lợi từ rừng già này. Từ năm 2012, tổ bảo vệ rừng đã nhân rộng diện tích mây bằng cách, hễ đi tuần gặp mây con, họ nhổ lên và giâm đến những chỗ khác, cứ thế, mây rừng ngày càng nhiều và được khai thác một cách luân phiên, ai cũng có phần, có thu nhập ổn định”.

Ngày trước, người dân thôn Dư Hữu chỉ trồng mỗi mây rừng, nhưng rồi họ nhận ra, đất rừng dưới những tán cây cổ thụ vẫn còn tận dụng được, nên mỗi người một tay cùng nghĩ ra các cây trồng khác, để trồng và hưởng lợi. Dần dà, cây sa nhân, cây đót và mô hình nuôi dê cũng được triển khai. Từ đó, hàng chục hộ dân sống cận rừng, đã có sinh kế để thoát nghèo bền vững. “Chúng tôi quy định, trước khi khai thác cái gì cũng phải báo cho lãnh đạo thôn, rồi báo cho kiểm lâm và chính quyền địa phương, chứ không được mạnh ai nấy làm. Ngay cả việc đốt thực bì cũng phải khoanh vùng, làm ranh giới để tránh cháy lan. Phải nghiêm khắc vậy, thì mới mong giữ được rừng”, ông Ầy nói chắc nịch.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long, hiện nay, ngoài diện tích rừng tự nhiên, người dân thôn Dư Hữu đã trồng thêm hơn 13ha gỗ lim đã được 4 - 5 năm tuổi. Ngoài việc trồng cây dưới tán rừng, 5 - 7 hộ dân triển khai mô hình nuôi dê lấy thịt với số lượng từ 30 - 50 con để phát triển kinh tế gia đình. “Cứ một năm người dân thu được từ 3 - 4 tấn mây rừng, mỗi tấn cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Đó chỉ mới tính mây, chưa kể sa nhân, đót và mô hình nuôi dê nữa. Nói chung, nguồn lợi từ rừng thì khai thác vô kể, quan trọng là người dân phải biết tận dụng và tận dụng một cách hợp lý, hiệu quả. Địa phương luôn khuyến khích người dân vừa khai thác, vừa bảo vệ rừng”, anh Tín cho biết thêm.

Nhờ chung tay bảo vệ mà rừng già ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai (Minh Long) vẫn còn những cây đại thụ.

Giữ nguồn nước tưới

Đi qua những mùa nắng hạn, người dân thôn Dư Hữu hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của mạch nước từ những con suối bắc nguồn từ rừng già đổ về. Trong khi những địa phương lân cận “oằn” mình chống hạn, hoặc bỏ đất hoang, thì nông dân ở đây vẫn sản xuất được hai vụ lúa, với năng suất đạt rất cao. “Những con suối nhỏ chảy về con suối Hố Chày rồi tất cả dẫn về đập dâng Dư Hữu và cung cấp nước cho hơn 17ha lúa, hoa màu cho các cánh đồng trong thôn. Không chỉ vậy, nước sinh hoạt của 150 hộ dân nơi đây cũng đảm bảo, chưa có năm nào khô hạn. Những năm mưa lớn, lũ quét cũng không nhằm nhò gì. Các cây gỗ lớn có bộ rễ ăn sâu chục mét nên giữ đất, giữ đá, không bị sạt lở”, ông Ầy thông tin.“Chúng tôi quy định, trước khi khai thác cái gì cũng phải báo cho lãnh đạo thôn rồi báo cho kiểm lâm và chính quyền địa phương, chứ không được mạnh ai nấy làm. Ngay cả việc đốt thực bì cũng phải khoanh vùng, làm ranh giới để tránh cháy lan. Phải nghiêm khắc vậy thì mới mong giữ được rừng”, già làng ĐINH VĂN ẦY nói.

“Mấy năm trước, cũng nắng nóng kéo dài mà cuối mùa lúa, chúng tôi vẫn thu về từ 50 - 53 tạ/ha. Năm nay, chắc cũng không ngoại lệ. Thiệt tình mà nói, ở đây kênh mương không có, chủ yếu nhờ nước trời, nước ở các hồ đập, mà nếu không có rừng già thì lấy đâu ra nguồn nước dồi dào như vậy. Mình giữ rừng thì rừng mới giữ nguồn nước cho mình dùng”, lão nông Đinh Văn Thiêu, người cùng thôn, vui vẻ tiếp lời.

Trải qua thời gian, rừng già ở thôn Dư Hữu vẫn còn nguyên vẹn. Những cây cổ thụ với tán lá rộng cả chục mét như những cái nong, cái nia khổng lồ vẫn sừng sững giữa đại ngàn. Rừng già còn đó là mạch sống của dân làng sẽ mãi còn...

MẠNH KHOA (Theo Báo Quảng Ngãi)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-ve-rung-nhu-bao-ve-chinh-nguon-song-cua-minh-20200704082054315.htm