Bảo vệ rừng kêu oan trong vụ án không có vật chứng

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo phạm tội nhưng lại không thu giữ được vật chứng là hung khí gây án, cũng không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Theo dự kiến, sáng nay (15-7), TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Toàn (51 tuổi, ngụ xã Đồng Tiến) về tội cố ý gây thương tích.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Toàn bị TAND huyện Yên Thế tuyên phạt 36 tháng tù về tội danh nêu trên. Suốt quá trình xét xử, bị cáo liên tục kêu oan, phủ nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng đối với mình.

Vụ án chỉ có ba người

Theo cáo trạng, Toàn cùng ông Vũ Văn Phong (51 tuổi) ký hợp đồng làm bảo vệ rừng cho một gia đình ở Yên Thế. Quá trình canh tác, giữa gia đình trên và ông Đặng Văn Trường (43 tuổi) xảy ra tranh chấp.

Bị cáo Nguyễn Văn Toàn tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Văn Toàn tại phiên tòa sơ thẩm.

Khoảng 13 giờ ngày 24-1-2018, ông Trường ra rừng đi dọn đốt bãi. Tay trái ông cầm một con dao quắm, tay phải cầm mồi lửa để đốt cành cây củi, sườn trái đeo một con dao mũi bằng.

Lúc này, Toàn và ông Phong đến ngăn cản, không cho ông Trường làm. Ông Phong giằng co dao quắm khiến lưỡi dao va vào trán ông Trường chảy máu. Ngay sau đó Toàn lùi về phía sau, dùng một đoạn gậy gỗ vụt nhiều nhát vào vùng vai và cánh tay ông Trường. Kết luận giám định cho thấy ông Trường bị tổn thương với tỉ lệ 22% sức khỏe.

Ngoài ba người trong cuộc thì không có ai khác chứng kiến sự việc xảy ra. Ông Trường khai sau khi bị Toàn dùng gậy đánh, ông còn bị ông Phong dùng sống lưng dao quắm vụt vào lưng mình.

Ban đầu ông Trường đề nghị xử lý hình sự với cả Toàn và ông Phong. Tuy nhiên, về sau ông Trường xin miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Phong, chỉ đề nghị xử lý đối với Toàn. Kết quả là ông Phong bị xử lý hành chính về hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, còn Toàn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích.

Suốt quá trình điều tra, truy tố, Toàn liên tục nói mình bị oan, đồng thời phủ nhận việc gây thương tích cho ông Trường.

Không thu được vật chứng

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo khẳng định không dùng gậy gỗ đánh bị hại, do vậy không biết và cũng chưa nhìn thấy chiếc gậy như cáo trạng truy tố bao giờ. Toàn đề nghị đưa ra vật chứng là con dao quắm, dao mũi bằng và chiếc gậy gỗ.

Tuy nhiên, HĐXX chỉ quyết định trích xuất vật chứng là con dao quắm và con dao mũi bằng, còn chiếc gậy gỗ (hung khí gây án) thì lại không đề cập tới.

Lý giải việc không thu được vật chứng, đại diện VKS cho rằng tại hiện trường có rất nhiều đống củi, gậy gỗ có thể là nhiều loại chứ không thể biết chính xác về kích thước hay loại gỗ gì. Thời điểm xảy ra sự việc, mọi người tập trung cứu chữa cho bị hại nên không để ý tới việc thu thập vật chứng. Dù vậy, vẫn có đủ cơ sở kết luận bị cáo dùng gậy gỗ gây thương tích cho bị hại.

Ngược lại, luật sư (LS) của bị cáo nêu quan điểm việc không thu giữ được hung khí gây án là rất khó hiểu. Vì không thu thập được vật chứng nên cơ quan tố tụng cũng chưa chứng minh được “hung khí nguy hiểm” mà bị cáo sử dụng là gì?

Cùng với đó, thời điểm xảy ra vụ án chỉ có ba người, thế nhưng tòa án lại triệu tập tới 18 người với vai trò làm chứng và có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tại tòa, tất cả nhân chứng đều khai chỉ đến hiện trường sau khi vụ việc đã xảy ra, không ai trực tiếp chứng kiến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại hay không.

Đặc biệt, trong vụ án này, ông Phong cùng thực hiện hành vi đánh ông Trường nên phải xem xét trách nhiệm với vai trò đồng phạm chứ không thể xử lý hành chính. Nếu chỉ buộc tội đối với bị cáo là không đảm bảo tính công bằng.

Hơn nữa, cơ quan tố tụng đưa ông Phong làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời làm nhân chứng là không khách quan bởi ông Phong là người có quyền lợi đối lập với bị hại, là người trực tiếp bị tố giác.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bao-ve-rung-keu-oan-trong-vu-an-khong-co-vat-chung-846003.html