Bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động

Chiều 1/11, tiếp tục phiên làm việc của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các ĐBQH về nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi: "Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2018, tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ giải thể, phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng với 59.000 lao động. Trong khi đó, khoản 7, Điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. Vì sao Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực đã gần 3 năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được ban hành, vướng mắc do đâu, trách nhiệm thuộc về Bộ hay thuộc về Chính phủ?"

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo khoản 7, Điều 10 Luật BHXH quy định giao cho Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động.

Thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều biện pháp liên quan, như: Ban hành Nghị định 115 cho phép đóng riêng cho từng trường hợp để giải quyết quyền lợi cho người lao động; tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp tuân thủ trong đóng bảo hiểm bắt buộc và phát triển lực lượng; tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Quốc hội cũng như đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong Luật Hình sự.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có một số văn bản chưa đạt như mong muốn. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo nghị định nhằm giải quyết triệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động. Tuy nhiên đang gặp 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt là phương án xử lý đối với quyền và lợi ích của người lao động, mà Luật Ngân sách và Luật BHXH đều không cho phép; thứ hai, vướng về thẩm quyền vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Bộ đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để lắng nghe và trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phương án phù hợp với thông lệ quốc tế, các chính sách hiện hành về bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-ve-bhxh-cua-nguoi-lao-dong-d2057694.html