Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân tại các phiên tòa

Thời gian trước đây, tại nhiều hội nghị góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng hành chính, có ý kiến cho rằng án cấp huyện thì để TAND tỉnh xử, án tỉnh nên giao tòa cấp cao xử để tránh việc 'phủ bênh phủ', 'huyện bênh huyện' hoặc bản thân thẩm phán tòa cấp huyện sẽ không tuyên Chủ tịch UBND huyện thua kiện.

Cũng có ý kiến nhận xét rằng, trong phần lớn các vụ án hành chính, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tại tòa cấp huyện (thậm chí tòa cấp tỉnh) thì người dân thường thua kiện.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, cùng với những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động tư pháp, quyền lợi chính đáng của người dân tại một số phiên tòa đã được tòa án các cấp quan tâm thấu đáo. Gần đây nhất, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra bản án quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của một người dân, hủy Quyết định số 352/QÐ-UBND-ÐT về việc thu hồi và hủy bỏ Chứng nhận số nhà ban hành ngày 29-1-2018 của UBND quận 12.

Theo đơn khởi kiện của người dân (trú tại quận Gò Vấp) cho biết, căn nhà số 149 đường TA16, phường Thới An, quận 12 của gia đình bà đã sử dụng ổn định từ nhiều năm nay. Thế nhưng ngày 29-1-2018, UBND quận 12 lại ban hành Quyết định số 352/QÐ-UBND-ÐT về việc thu hồi và hủy bỏ Chứng nhận số nhà 1062/GCN-UBND-ÐT do chính đơn vị này đã cấp ngày 9-4-2015 (Quyết định số 352). Theo nhận định của Viện KSND TP Hồ Chí Minh thì Quyết định số 352/QÐ-UBND-ÐT về việc thu hồi và hủy bỏ Chứng nhận số nhà do UBND quận 12 ban hành ngày 29-1-2018 là không đúng thẩm quyền được quy định tại Khoản 2, Ðiều 25 Quyết định số 05/2006/QÐ-BXD ngày 8-3-2006 của Bộ Xây dựng quyết định về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà…

Hay tại Quảng Ninh, một người dân đã khởi kiện UBND TP Hạ Long về việc thu hồi đất sai quy định pháp luật. Thụ lý vụ kiện này, sau khi xem xét toàn diện, khách quan tất cả các bằng chứng, lời khai, tài liệu liên quan sự việc, TAND tỉnh Quảng Ninh kết luận: Quyết định số 853/QÐ-UBND ngày 31-3-2016 của UBND TP Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ sau khi thu hồi đất đối với người dân là không đúng pháp luật, không bảo đảm các quyền lợi chính đáng của công dân khi bị Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, thay mặt hội đồng xét xử, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa đã tuyên chấp nhận nội dung và yêu cầu khởi kiện của người dân. Tuyên bố: Hủy toàn bộ Quyết định số 853/QÐ-UBND ngày 31-3-2016 của UBND TP Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ sau khi thu hồi đất đối với gia đình người khởi kiện…

Trên đây chỉ là những thí dụ trong rất nhiều vụ việc cho thấy người dân đã và đang được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thực tế cuộc sống. Nếu điều này tiếp tục được thực hiện tốt, công khai, minh bạch, đúng pháp luật thì sẽ góp phần quan trọng hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp vốn gây phức tạp đối với tình hình an ninh, trật tự địa phương. Quan trọng hơn sẽ giúp người dân tin tưởng vào pháp luật, tin tưởng vào việc Nhà nước, tòa án luôn công tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Các ý kiến chuyên gia về luật pháp nhận định: Một trong những chức năng quan trọng và là tiêu chí đánh giá mức độ dân chủ của một nhà nước, đó là việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền công dân. Ðảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì vấn đề bảo đảm quyền công dân phải được chú trọng hàng đầu, nhất là trong các quan hệ tố tụng nói chung và tố tụng hành chính nói riêng. Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính là bảo đảm quyền công dân trong hoạt động tư pháp, là việc Nhà nước thiết lập các điều kiện cần thiết nhằm tôn trọng và thực hiện các quyền công dân của cá nhân trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính bằng con đường tố tụng. Ðây là một trong những vấn đề đã thực hiện bước đầu có hiệu quả trong thời gian qua.

Để nội dung nêu trên tiếp tục được thực thi tốt trong đời sống, pháp luật về tổ chức và hoạt động của tòa án cần tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và xử lý kịp thời những bất cập, bất công trong cuộc sống của người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cần được thực hiện rộng và sâu hơn nữa, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan khi tham gia vào các quan hệ hành chính trên mọi lĩnh vực. Cần tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án nói chung, tòa hành chính nói riêng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất và các yếu tố cần thiết, dễ dàng để người dân đặt niềm tin vào tòa án, coi tòa án là chỗ dựa vững chắc và cao nhất để bảo đảm quyền công dân của họ…

Ðồng thời, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán các cấp để giải quyết các vụ việc kịp thời, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cần phát hiện và xử lý kịp thời cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ...

Ðan Khánh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/41779802-bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-dan-tai-cac-phien-toa.html