Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước hành vi xâm hại: Thay đổi định kiến, hành động cụ thể

Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước vấn đề bạo lực, xâm hại hiện nay, cộng đồng cần phải thay đổi nhận thức, có những hành động cụ thể, thiết thực hơn nhằm xóa bỏ những định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người… Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia chỉ ra.

 Tuyên truyền phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em tại Liên đội trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình). Ảnh: Hà Linh

Tuyên truyền phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em tại Liên đội trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình). Ảnh: Hà Linh

Phần nổi của tảng băng chìm
Theo thống kê của Bộ Công an, tính riêng năm 2018 cả nước có 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nói chung), chủ yếu tập trung ở các TP lớn. Cùng với đó, hiện tình trạng bạo lực vẫn diễn ra khá phổ biến, không chỉ “lén lút”, “vụng trộm” hay ở những vùng quê xa, mà diễn ra ở ngay những nơi được coi là văn minh, có gắn camera giám sát vẫn còn những vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Vụ sàm sỡ em bé ở thang máy chung cư Galaxy 9 ở TP Hồ Chí Minh hay vụ “cưỡng hôn” cô gái ở chung cư Golden Palm ở Hà Nội là những vụ mới nhất gây phẫn nộ trong dư luận về tình trạng xâm hại tình dục ở nơi công cộng.

Để vấn đề bạo lực được tố giác sớm hơn, khi nó mới manh nha thì phụ nữ và trẻ em phải biết cách bảo vệ bản thân, phải hiểu được những quyền lợi của bản thân, hoặc pháp luật sẽ trừng trị những kẻ gây bạo lực như thế nào. Khi đó, họ sẽ chủ động hơn trong việc tố giác hành vi bạo lực không chỉ ở gia đình mà còn ở cả những nơi công cộng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga - Viện Nghiên cứu con người

Qua đó có thể thấy, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em không những không giảm, mà còn có chiều hướng tăng về số vụ. Như các chuyên gia nhận định, dù số liệu được công bố đã phản ánh được thực trạng số vụ bạo lực tăng khá cao, nhưng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều vụ việc chưa được tố giác, hoặc chưa được thống kê đầy đủ do nhiều nguyên nhân mà người bị bạo lực, xâm hại không trình báo.Thay đổi nhận thức của cộng đồngThạc sĩ Nguyễn Thị Nga (Viện Nghiên cứu con người) cho rằng, vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam ngày càng được quan tâm từ các cơ quan Nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức và cộng đồng chưa được phát huy do chính những người bị bạo lực không tìm đến để được giúp đỡ. Điều này có thể do người dân chưa tin hoặc quan niệm, vấn đề bạo lực là của cá nhân, gia đình, nên chưa cần phải nhờ đến các tổ chức ngoài xã hội. Cũng có thể do hoạt động truyền thông chưa thực sự hiệu quả.Mặc dù vai trò của cộng đồng rất quan trọng nhưng vì định kiến của xã hội, hay vì sự thiếu hiểu biết... mà vấn đề này chưa được người dân tiếp nhận và sử dụng rộng rãi như một công cụ hỗ trợ, bảo vệ bản thân trước những đe dọa từ bên ngoài. Chính vì vậy, cộng đồng cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực hơn nhằm xóa bỏ những định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người trong vấn đề này. Điều quan trọng nhất chính là làm thế nào để thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với nạn nhân bị bạo hành, để họ cởi mở hơn trong việc chia sẻ các vấn đề của bản thân đang gặp phải.Đồng thời, theo các chuyên gia, để người dân tin tưởng cộng đồng, hỗ trợ và giúp họ thoát khỏi sự ám ảnh, sợ hãi trước mối đe dọa từ bạo lực rất cần tăng cường tuyên truyền về hậu quả của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và vai trò của họ trong vấn đề này. Thực tế cũng chỉ ra rằng, bạo lực không chỉ xuất hiện ở trong gia đình, mà còn xuất hiện ở tất cả mọi nơi: Nhà trường, bến xe, khu vui chơi giải trí… vai trò của cộng đồng lúc này chính là tạo ra một không gian an toàn và lành mạnh tại những nơi công cộng. Mặt khác, cần trang bị cho phụ nữ và trẻ em kiến thức, khả năng chủ động về kinh tế, kỹ năng phòng ngừa cũng như những kỹ năng sống có thể đảm bảo họ sẽ không gặp nguy hiểm trước những mối đe dọa.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-ve-phu-nu-va-tre-em-truoc-hanh-vi-xam-hai-thay-doi-dinh-kien-hanh-dong-cu-the-348019.html