Bảo vệ phên giậu của Tổ quốc

Sự kiện Ban Biên giới trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra đời vào ngày 6 tháng 10 đúng 45 năm trước đây không phải là ngày lễ lớn so với các ngày kỷ niệm trọng đại trong năm 2020. Tuy nhiên việc hình thành cơ quan này lại liên quan tới một công việc lớn của đất nước; đó là nhiệm vụ xác định và bảo vệ biên giới quốc gia, chủ quyền dân tộc.

Đối với bất kỳ nước nào, biên giới, lãnh thổ đều rất thiêng liêng; riêng đối với nước ta, việc xác định chuẩn xác, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia càng có ý nghĩa lớn lao vì nước ta giáp ranh với nhiều nước khác cả trên bộ và trên biển; trong suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã phải đổ biết bao xương máu vì sự nghiệp bảo vệ biên cương, chủ quyền. Do tầm quan trọng như vậy, năm 2007, Ban Biên giới được nâng lên thành Ủy ban Biên giới quốc gia nằm trong Bộ Ngoại giao.

Thật không quá lời nếu nói rằng, trong 45 năm tồn tại và phát triển của cơ quan chuyên trách về biên giới lãnh thổ, một khối lượng lớn chưa từng có các công việc trong lĩnh vực này đã được tiến hành.

Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, các văn bản pháp quy về biên giới đều do chính quyền thực dân Pháp thực hiện thì nay, với tư cách là một quốc gia độc lập, thống nhất, nước ta tự mình đàm phán và ký kết hàng loạt định ước quốc tế hoạch định rõ ràng biên cương và chủ quyền quốc gia ở trên bộ, trên biển và cả trên không.

Trong số các thỏa thuận đã đạt được có thể kể đến các hiệp định về biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào và trên 80% với Campuchia. Về ranh giới trên biển là các hiệp định về vùng nước lịch sử với Campuchia, phân định vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, hợp tác khai thác với Malaysia ở vùng biển chồng lấn, phân định vùng chồng lấn với Thái Lan, vùng thềm lục địa với Indonesia. Về trên không là việc thu hồi, xác định và quản lý vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Ho Chi Minh). Bên cạnh các định ước về phân định cũng như về phân giới, cắm mốc, nước ta còn ký hoàng loạt hiệp định quản lý biên giới với các nước láng giềng.

Trong quan hệ quốc tế, nước ta đã tích cực tham gia soạn thảo và đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1992 đồng thời tích cực tham gia hoạt động của cơ quan Liên Hợp Quốc về Công ước này.

Những thỏa thuận trên tạo ra những thuận lợi mới cho công cuộc bảo vệ phên giậu của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình ổn định, mở rộng hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng.

Ở trong nước, cơ quan về biên giới quốc gia đã đề xuất chủ trương, soạn thảo và trình Quốc hội thông qua những văn bản pháp quy hết sức quan trọng như Luật Biên giới quốc gia và Luật Biển cùng nhiều văn bản liên quan khác, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới biên giới, lãnh thổ phải chăng nổi lên mấy phương châm sau:

Một là, do tầm quan trọng đặc biệt của công tác biên giới, lãnh thổ lĩnh vực này luôn được sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong nhiều trường hợp các chủ trương, biện pháp cụ thể tưởng như “rất nhỏ” đều nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất; bên cạnh Chính phủ luôn luôn hình thành Ban chỉ đạo liên ngành do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu, trong đó Ủy ban Biên giới quốc gia đóng vai trò nòng cốt.

Hai là, bảo vệ biên giới, lãnh thổ là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và các địa phương liên quan. Cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, việc tạo dựng sức mạnh tổng hợp của mọi “binh chủng hợp thành” luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng. Trong khuôn khổ này Ủy ban Biên giới quốc gia giúp Bộ trưởng Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia với 21 nhiệm vụ cụ thể vì vậy có thể vừa được coi là bộ tổng tham mưu, vừa là cơ quan “tác chiến” trong lĩnh vực này. Đồng hành với Ủy ban Biên giới quốc gia luôn luôn có sự tham gia tích cực của lựa lượng Công an, Quân đội (bao gồm cả Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển), Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.

Ba là, trong khuôn khổ chung đó, người dân có vị trí đặc biệt trong việc giữ gìn phên giậu của Tổ quốc. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức toàn dân về biên giới, lãnh thổ và cả về biển đảo đã được chú trọng và phát huy tác dụng lớn. Để bảo đảm vai trò của người dân cần quan tâm đặc biệt tới việc cải thiện điều kiện sống của cư dân ở dọc tuyến biên giới và trên biển – đảo. Hơn ở đâu hết, việc củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân có ý nghĩa sống còn đối với việc giữ vững biên cương, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thiết nghĩ, các cán bộ, chiến sỹ tại các khu vực biên giới và biển đảo cũng như tại các cửa khẩu là những người đứng trên tuyến đầu canh giữ biên cương, do đó họ cần được trang bị hiện đại và đáng được thụ hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất.

Bốn là, cũng như trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ biên giới, lãnh thổ “phải trông vào thực lực” như Bác Hồ từng căn dặn. Thực lực nói ở đây không chì là “sức mạnh cứng” thể hiện trong sức mạnh kinh tế và an ninh – quốc phòng mà còn ở “sức mạnh mềm” thể hiện trong tính chính nghĩa của chúng ta, ở ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, ở đường lối chính sách đúng đắn, ở sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới…

Năm là, sự nghiệp bảo vệ biên cương nằm trong tổng thể công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy nó cần được gắn bó chặt chẽ với yêu cầu gìn giữ hòa bình, ổn định để phát triển.

Cũng chính vì vậy, trước sau như một nước ta kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền thiêng liêng của dân tộc trên biển Đông, kể cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thông qua thương lượng ngoại giao dựa trên pháp luật, nhất là Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản và lâu dài đối với những điểm bất đồng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, trước hết là các nước thành viên ASEAN đối với lập trương chính nghĩa và thái độ xây dựng của chúng ta.

Cho dù đã giành được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận trong công tác biên giới, lãnh thổ song trước mắt chúng ta còn nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp. Tin rằng, với những bài học đã thâu lượm được, nhất định chúng ta sẽ thu được những thành công mới, giữ vững biên cương, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/bao-ve-phen-giau-cua-to-quoc-614374/