Bảo vệ người trẻ trên mạng - đừng bắt đầu từ gì đó quá cao siêu

Một lần, đang loay hoay tìm kiếm bộ giáo trình về kỹ năng mềm giúp học sinh an toàn trên mạng, cô giáo Thanh Trúc (trường THCS Trần Phú - TP.HCM) nhận được thư mời tham dự khóa tập huấn về đúng chủ đề tìm kiếm. Khi trở về, tiết học của cô Trúc trở thành dấu ấn về vấn đề đang được nhiều phụ huynh quan tâm - bảo vệ người trẻ an toàn trên môi trường mạng.

Nghe nhạc Hàn để… giúp học trò an toàn trên mạng

Nghe có vẻ không liên quan, nhưng đó là cách mà cô giáo Trần Thị Thanh Trúc – giáo viên trường THCS Trần Phú (TP.HCM) đã áp dụng cho các tiết học về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, internet. Không lý thuyết cầu kỳ, không những thuật ngữ khó hiểu, điều đầu tiên mà cô Trúc muốn tiếp cận chính là đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em đang cần gì, nghe nhạc gì, thích xem phim nào, hâm mộ nhóm nhạc nào…

Và từ đó, cô Trúc đặt ra các tình huống rất thực tế để đưa vào bài giảng cho học sinh về cách sử dụng mạng an toàn, dựa trên khóa tập huấn về Tư duy thời đại số - chương trình Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Facebook triển khai thí điểm cho các trường THCS, THPT trong năm 2019. Khóa tập huấn nhận được sự phản hồi tích cực khi tiếp cận được gần 244.000 học sinh THCS - THPT và gần 1.300 giáo viên trên 13 tỉnh thành trong cả nước. Một số nội dung tập huấn gồm cách bảo vệ danh tính số, tư duy phản biện, tôn trọng trong giao tiếp và thể hiện sự thấu cảm trên môi trường trực tuyến.

Cô Thanh Trúc thảo luận cùng học sinh về tiết học kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

Cô Thanh Trúc thảo luận cùng học sinh về tiết học kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

"Tôi lựa chọn những nội dung cụ thể được các em quan tâm, tùy độ tuổi của khối học, chọn lọc để ra bài giảng riêng biệt. Hiểu nhu cầu các em để thiết kế bài giảng gần gũi, từ đó được học sinh chú ý" – cô Trúc chia sẻ.

Và thật bất ngờ, sau những tiết học sinh động, thảo luận rồi thuyết trình, phản biện, các em đã nhận thức rõ hơn về cách bảo vệ mình an toàn khi sử dụng internet, mạng xã hội. Các em biết nhận diện nguy cơ tiềm ẩn trên mạng, sự khác nhau giữa giao tiếp trực tiếp và giao tiếp online. Hay đơn giản là làm sao để nhận diện tin giả, tin thật trên mạng, làm sao để bảo vệ tài khoản của mình được an toàn…

Học trò của cô Trúc hào hứng thuyết trình về kỹ năng an toàn mạng

Là một trong các tỉnh tham gia thí điểm về chương trình, Lâm Đồng nhận được sự tham gia hào hứng của đông đảo giáo viên, học sinh. Dự án đã tập huấn cho hơn 300 giáo viên lõi, từ đó hơn 4.00 giáo viên được mở rộng tập huấn rồi truyền đạt lại các kỹ năng này cho hơn 60.000 học sinh khối THCS, THPT toàn tỉnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng – ông Huỳnh Quang Long chia sẻ, điều này xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh muốn các con được hỗ trợ kỹ năng mềm, trong đó là kỹ năng sử dụng mạng xã hội đúng cách. "Các em muốn học để bảo vệ mình trước không gian mạng chứ không phải gì đó cao xa. Nếu không nhanh tay giúp học sinh có kỹ năng về bảo vệ mình trên mạng thì chúng ta sẽ thiếu trách nhiệm, nhất là ngành giáo dục" – ông Long nói.

Nỗ lực chung tay bảo vệ người trẻ trên mạng

Hậu Covid-19, nhu cầu sử dụng mạng xã hội, internet như công cụ trực tuyến để học tập, làm việc và giải trí ngày càng cao. Điều này càng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc định hướng sử dụng mạng xã hội an toàn cho người trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ GD&ĐT, cả nước có 22 triệu HSSV – chiếm gần 1/4 dân số, trong đó số lượng HSSV sử dụng internet gần như tuyệt đối. Đáng chú ý, học sinh 15 tuổi sử dụng 3 – 4 tiếng internet mỗi ngày chiếm gần 40% - là một tỉ lệ rất lớn, trong khi các em ở độ tuổi trẻ, bồng bột, tò mò nên rất dễ bị dao động, lôi kéo dụ dỗ…

Nói về điều này, bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, khi làm việc với phụ huynh thì thấy có hai nhóm: Một số quá lo lắng căng thẳng về việc con mình sử dụng mạng xã hội quá nhiều, dẫn đến cấm đoán, giám sát khiến trẻ em cảm thấy nghẹt thở. Nhóm 2 là cha mẹ không đủ kỹ năng, chưa đánh giá được tầm quan trọng của mạng internet, dẫn đến bỏ mặc cho trẻ em. Hai xu hướng này đều đáng lo ngại.

Bà Khuất Thu Hồng chia sẻ về tác động của nternet đến người trẻ

"Cách đây hai năm, khi nghiên cứu về vấn nạn di cư qua biên giới, kết quả của nhóm chúng tôi cho thấy nhiều em gái bị lừa bán qua biên giới qua mạng xã hội, bị lừa sang biên giới làm vợ, biến thành món hàng hóa từ mạng internet. Rất nhiều vấn đề đau lòng về việc sử dụng mạng xã hội sai cách dẫn đến bị lợi dụng. Tôi mong chương trình triển khai càng cụ thể, thiết thực càng tốt, từ đó giúp phụ huynh yên tâm hơn, đồng hành con mình, làm chủ không gian số càng ngày mở rộng với thế hệ trẻ" – bà Khuất Thu Hồng nhìn nhận.

Đối với riêng phụ nữ, theo bà Khuất Thu Hồng, từ năm 2019, ISDS đã phối hợp với Facebook triển khai đào tạo 70 nhà lãnh đạo đến từ các tổ chức Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới, nhằm bảo đảm an toàn trực tuyến cho phụ nữ, đồng thời hỗ trợ chia sẻ kiến thức về sử dụng mạng xã hội an toàn cho phụ nữ.

Cũng chính sự cấp thiết này mà ngay năm học 2020 – 2021 tới, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN) phối hợp với Facebook lần đầu tiên đưa chương trình "Tư duy thời đại số" trở thành môn học chính thức trong chương trình giảng dạy (với 2 tín chỉ). Bên cạnh đó, Facebook sẽ hợp tác với Hệ thống giáo dục Hocmai xây dựng khóa học kỹ năng số online thử nghiệm miễn phí trên nền tảng trực tuyến của hệ thống, hướng tới đào tạo các kỹ năng số cần thiết cho khoảng 35.000 học sinh trong thời gian tới.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-ve-nguoi-tre-tren-mang-dung-bat-dau-tu-gi-do-qua-cao-sieu-20200723170019669.htm