Bảo vệ người tố cáo để khuyến khích phòng, chống tội phạm

Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị mới ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp tác động vào nhiệm vụ bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước và xử lý các loại tội phạm. Một lần nữa Đảng đã cho thấy quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) khi dựa vào dân để cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm dẹp “giặc nội xâm” thông qua cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo Chỉ thị, trong thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ đảng viên, Ðảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Lộ, lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù chưa được phát hiện, xử lý nghiêm; việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng chưa được quan tâm; cán bộ, đảng viên và người dân chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm…

Ðể phòng, chống tham nhũng nói riêng và tội phạm nói chung hiệu quả tốt, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu cấp thiết.

Ðể phòng, chống tham nhũng nói riêng và tội phạm nói chung hiệu quả tốt, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu cấp thiết.

Thực tế thì thời gian qua công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Những bất cập đó càng đòi hỏi phải dựa vào dân để đấu tranh chống “giặc nội xâm”, chống tham nhũng ngay trong chính bộ máy hành chính vốn đông nhưng không mạnh.

Thời gian qua Ðảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, dẫu đã có Luật Tố cáo nhưng công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo, không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập.

Nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo còn hạn chế, bất cập, nhất là chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo. Trước đây, khi Luật Tố cáo chưa được sửa đổi, các quy định còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, chưa nêu cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập. Ðiều này làm cho người tố cáo lo ngại, không dám tố cáo khi phát hiện có vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Do vậy làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm liên quan đến tham nhũng và chức vụ, quyền hạn nói riêng.

Ðể phòng, chống tham nhũng nói riêng và tội phạm nói chung hiệu quả tốt, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu cấp thiết. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải thực hiện tốt nhiều giải pháp, trong đó cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cần xác định rõ, việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp…

Các cơ quan, tổ chức liên quan phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo đã được quy định trong Luật Tố cáo năm 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, trong đó đề cao trách nhiệm của cá nhân trong bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo tội phạm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo để mọi người hiểu, yên tâm, sẵn sàng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng.

Lực lượng CA tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Các quy định của pháp luật về nội dung này cần cụ thể hóa nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo, để các cơ quan này có cơ sở thực hiện các phương pháp bảo vệ hiệu quả, tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm bảo vệ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở nơi người tố cáo đang công tác và sinh sống.

Đăng Quý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-ve-nguoi-to-cao-de-khuyen-khich-phong-chong-toi-pham-150592.html