Bảo vệ người lao động tại các KCN-KCX trước nguy cơ tệ nạn, tội phạm

Nhiều năm qua tại nhiều địa phương, trên cả nước đã có hàng trăm khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) được hình thành và đi vào hoạt động. Không chỉ hấp dẫn đông đảo các nhà đầu tư, những nơi này còn trở thành địa chỉ thu hút người lao động (NLĐ) tìm đến sinh sống, làm việc. Hiệu quả về kinh tế của các KCN-KCX đã được minh chứng qua thực tiễn. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là các loại tội phạm tăng nhanh, đe dọa an ninh, trật tự, an toàn của các KCN-KCX và nhân dân địa phương trong vùng.

Một buổi sinh hoạt Tổ công nhân tự quản tại khu nhà trọ phường Bách Quang, TP Sông Công (Thái Nguyên).

Nhiều cạm bẫy bủa vây công nhân lao động

Theo đánh giá, phân tích của Tổng cục Cảnh sát, có thể nhận dạng các loại tội phạm chủ yếu thường xuất hiện ở những nơi tập trung nhiều KCN-KCX là: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc, ma túy. Tại địa bàn giáp ranh và địa bàn ngoại trú của công nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm ma túy, tệ nạn cờ bạc, mại dâm, cháy nổ. Từ đầu năm 2017 đến nay, tại các địa phương xảy ra khoảng 321 vụ phạm pháp hình sự tại các KCN-KCX, trong đó, tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 76%. Các cơ quan chức năng địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng trăm đối tượng đánh bạc, hoạt động liên quan mại dâm.

Kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng cho thấy, tệ nạn ma túy trong công nhân lao động (CNLĐ) nhiều năm qua vẫn diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động đông, thành phần nghiện hút là CNLĐ trong toàn quốc chiếm tỷ lệ 6,71%. Nguyên nhân tệ nạn này chưa được ngăn chặn hiệu quả là do một bộ phận lớn NLĐ đang làm việc trong những ngành nghề có đặc thù xa nhà, công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, làm việc xa trung tâm văn hóa - xã hội, tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, điện lực, than - khoáng sản hoặc trong các KCN-KCX.

Bên cạnh đó, CNLĐ tại KCN-KCX, chủ yếu là thanh niên tuổi từ 18 đến 25, phần lớn xuất thân từ nông thôn. Khi tham gia vào thị trường lao động, họ chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, tay nghề, thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, thường xuyên phải đối mặt với những tệ nạn xã hội đang rình rập hằng ngày, hằng giờ tại nơi cư trú. Không ít NLĐ không chỉ sợ tài sản bị mất cắp mà còn lo ngại về an nguy của bản thân, gia đình, vô hình trung ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khi tâm lý bất an luôn đi theo họ mỗi khi vào ca.

Hiện nay, tín dụng đen là loại tội phạm tuy không mới nhưng đang ồ ạt tiến công công nhân. Vấn nạn này được ví như những vòi bạch tuộc đeo bám “hút máu” những NLĐ cả tin. Tháng 4 vừa qua, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đánh sập một đường dây tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi, đẩy rất nhiều công nhân, người thu nhập thấp vào chỗ khánh kiệt, nợ nần. Các tổ chức tín dụng đen được núp bóng công ty kinh doanh tài chính, thường cho người tới tận khu nhà trọ hoặc gần công ty, đưa ra những mức cho vay với lãi suất hợp lý nhằm bẫy khách hàng với các thủ tục cho vay, thế chấp đơn giản, nhanh gọn khiến công nhân mất cảnh giác, ký kết nhanh chóng các hợp đồng cho vay. Tới khi phát hiện ra bị lừa, người bị hại mới tá hỏa với mức lãi suất quá khủng, không còn khả năng đóng lãi. Khi đó, các công ty cho vay sẽ cử nhân viên đe dọa, gây sức ép, khiến NLĐ hoảng sợ, bỏ của chạy lấy người. Đồng nghĩa với việc tài sản thế chấp bị chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn đó, thời gian qua không ít NLĐ nhập cư đã bị hành hung, khủng bố tinh thần, mất tài sản vì không đủ khả năng trả nợ.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Synztec (KCN Nomura, Hải Phòng) Đoàn Lệ Thương cho biết: Có tình trạng một số đối tượng mang danh nghĩa các ngân hàng tìm tới các khu nhà trọ có công nhân chào mời các hợp đồng có đóng dấu đỏ, giấy giới thiệu của ngân hàng nhằm tạo niềm tin với công nhân về việc giúp họ làm thẻ tín dụng FE Credit. NLĐ chỉ cần đưa hợp đồng lao động của mình (ký với công ty) cho các đối tượng trên sẽ được làm thẻ tín dụng hạn mức từ 10 triệu đồng trở lên với những điều khoản vay dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến ngày tháng phải trả lãi và gốc, nếu NLĐ không có khả năng trả nợ đúng hạn, con số nợ sẽ tăng lên ở mức phi mã.

Và cứ thế, sau một năm nếu NLĐ không có khả năng chi trả, khoản vay gồm cả lãi lẫn gốc sẽ trở thành khoản nợ rất lớn. Các đối tượng này thường hướng tới nữ công nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chồng cờ bạc, thua cá độ để giới thiệu làm thẻ tín dụng. Chị Thương cho biết, Công ty Synztec đã có ba nữ công nhân bị dính bẫy tín dụng đen. Khi nhận được sự kêu cứu của các nạn nhân, công đoàn đã kịp thời phối hợp chuyên môn xử lý, giúp đỡ NLĐ, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ biết rõ để không bị lợi dụng.

Đẩy lùi các loại tội phạm ra khỏi KCN-KCX

Một khó khăn trong phòng, chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong lực lượng CNLĐ là tuy KCN-KCX được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng vấn đề nhà ở cho CNLĐ vẫn hết sức khó khăn, phần lớn để mặc cho NLĐ tự lo. Vẫn có tới hàng trăm nghìn CNLĐ phải thuê chỗ ở trong những khu nhà trọ tạm bợ. Họ luôn phải sống chung với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng lại thừa điều kiện tiếp xúc dễ dàng với tệ nạn xã hội. Theo các chuyên gia, hai lực lượng bảo vệ NLĐ hữu hiệu, đắc lực là công đoàn và công an. Một số địa phương bố trí lực lượng an ninh kinh tế cùng với cảnh sát kinh tế, cảnh sát quản lý hành chính, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cảnh sát môi trường, công an huyện, đồn công an hoặc công an xã phối hợp ban quản lý KCN-KCX thực hiện quản lý và phòng, chống tội phạm trong KCN-KCX. Tuy nhiên, ở phạm vi ngoài KCN-KCX, NLĐ vẫn chưa được tăng cường bảo vệ.

Với nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, từ tháng 9-2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai đề án: Phòng, chống ma túy cho CNLĐ tại các KCN-KCX đến năm 2020. Đề án là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, công đoàn cũng đã áp dụng các mô hình như: “Tổ công nhân tự quản” thành lập nhiều ở khu vực phía bắc, hoặc “Đội công nhân xung kích trong DN” ở các tỉnh phía nam. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật khẳng định: Bảo vệ NLĐ, nhất là những CNLĐ làm việc tại các KCN-KCX luôn là mục tiêu của công đoàn các cấp. Cán bộ công đoàn sẵn sàng có trách nhiệm, đứng bên cạnh NLĐ. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, khi phát hiện tệ nạn hoặc nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn, NLĐ cần liên hệ với đường dây nóng trực tiếp của công an khu vực, tổ dân phố.

Để ngăn chặn kịp thời các mầm mống tội phạm khi mới manh nha xuất hiện tại các khu nhà trọ, KCN-KCX, việc quan trọng và ưu tiên số một hiện nay là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của mỗi công nhân lao động. Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Tổng cục Cảnh sát) cho biết: Chính vì trình độ, nhận thức còn hạn chế, CNLĐ dễ dàng trở thành “con mồi” để bọn tội phạm nhắm tới hoặc vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Do đó, thời gian tới, Bộ Công an và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy chế 03 được ký kết giữa hai bên. Trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong CNLĐ; đẩy mạnh hướng dẫn xây dựng và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của các cơ quan, DN trong KCN-KCX; đồng thời tổ chức cho CNLĐ ký cam kết, đăng ký khu ở văn hóa, an toàn về an ninh trật tự; động viên NLĐ phát hiện, tố giác tội phạm. Về phía NLĐ, được sống, làm việc trong môi trường an toàn là mong muốn chính đáng. Thế nhưng, mỗi CNLĐ cần phải có ý thức gương mẫu chấp hành pháp luật, không trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm cũng như tự biến mình thành nạn nhân của bọn tội phạm.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương nơi tập trung nhiều KCN-KCX cần thấy rõ trách nhiệm bảo vệ, chăm lo lực lượng lao động đã và đang có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của địa phương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là tại các nhà ăn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ…, yêu cầu các đơn vị này ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự. Hằng năm, lập đoàn liên ngành thanh, kiểm tra trong DN, chấm điểm về an ninh trật tự tại KCN-KCX. Duy trì giao ban giữa các bên, kịp thời phát hiện và phòng, chống tội phạm, cùng nhau tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong các KCN - KCX.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37294702-bao-ve-nguoi-lao-dong-tai-cac-kcn-kcx-truoc-nguy-co-te-nan-toi-pham.html