Bảo vệ người dân

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Trần Đức Trung và 5 bị can khác về tội danh 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', bộ sậu đã lập ra Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới để huy động tiền theo kiểu kinh doanh đa cấp. Trong một thời gian ngắn vào năm 2015, nhóm người này đã thu được 148 tỷ đồng trong phạm vi 16 tỉnh, thành phố.

Các đối tượng lập ra Trung tâm hỗ trợ người nghèo để huy động tiền theo kiểu kinh doanh đa cấp (ảnh minh họa)

Các đối tượng lập ra Trung tâm hỗ trợ người nghèo để huy động tiền theo kiểu kinh doanh đa cấp (ảnh minh họa)

Thủ đoạn vẫn là đánh vào lòng tham tức hứa hẹn lợi nhuận rất cao từ 400% đến 800% đối với người đóng tiền. Tuy nhiên, cách thức thì tinh vi hơn lấy danh nghĩa “vì người nghèo”, tổ chức hội thảo, hội nghị rầm rộ, phát “tâm thư” mùi mẫn đầy nhân văn và nhân đạo. Nhóm người này đã chiếm đoạt trong chương trình “vì người nghèo” này gần 50 tỷ đồng của người nghèo. Cái gọi là Trung tâm bị giải thể thì họ lại liên kết, móc nối với Công ty cổ phần Quốc tế Newstar tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”để lừa đảo tiếp.

Báo chí đã vào cuộc phản ảnh, người dân có đơn tố cáo và cơ quan điều trra đã tiến hành việc khởi tố vụ án vào năm 2016 đến tháng 8 năm 2018 thì mới có kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Tuy nhiên, cho đến tháng 2/2019 này thì có quyết định truy tố ra tòa. Với thời gian như vậy, khi Tòa xét xử xong, kết thúc vòng tố tụng thì hy vọng nhận lại tiền của các bị hại là rất mong manh.

Trong một diễn biến khác, những người nông dân ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải bởi quá gần khu dân cư. 6 người (trong đó có 5 nông dân) bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Giữ người trái pháp luật” bị xét xử trong một phiên tòa diễn ra chóng vánh và nhận án tổng cộng 20 năm tù. Chính quyền sở tại phải huy động một lực lượng cảnh sát đến 200 người để bảo vệ phiên tòa, rất nhiều người dân đến dự khán và tất nhiên, họ không được vào chốn công đường đang diễn ra phiên tòa công khai.

Có rất nhiều uẩn khúc cần phải làm sáng tỏ trong vụ án này với động cơ cũng như hành vi phạm tội của những người nông dân kia. Hôm nay (28/2/2019), phiên phúc thẩm được mở ra, hy vọng rằng những khuất tất cần phải làm sáng tỏ để có một bản án “tâm phục, khẩu phục” và thực sự có ý nghĩa giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Hiện tại, sự bất bình của dân chúng tại khu vực này đang lên rất cao và họ đã thể hiện thái độ phản kháng của mình với báo chí. Như vậy, mục đích của pháp luật là giáo dục, cảnh tỉnh, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội sẽ không đạt được.

Pháp luật của Nhà nước chúng ta trước hết là bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy, kể cả việc ngăn ngừa các hành vi tội phạm xâm hại đến quyền lợi nhân dân đến việc trừng trị thích đáng khi các hành vi tội phạm đó đã hoàn thành. Lòng tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật chính là ở chỗ đó.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/bao-ve-nguoi-dan-440764.html