Bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Kết quả 6 năm triển khai thi hành Luật được thể hiện nổi bật qua bốn phương diện. Trước hết, sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam.

Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã được củng cố, kiện toàn. Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.

Dữ liệu hộ tịch đã được hình thành với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Số liệu thống kê, báo cáo được bảo đảm chính xác hơn; bước đầu đáp ứng yêu cầu tra cứu cũng như cấp các giấy tờ hộ tịch của cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở các địa phương và Trung ương, từng bước kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ được triển khai kịp thời, thường xuyên để phát hiện, uốn nắn các sai phạm cũng như tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai Luật.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ còn tám năm để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Chúng ta cần nhớ rằng 15 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững có sử dụng các chỉ số với các dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng”.

Một số ý kiến tại Hội nghị đề nghị, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác triển khai Luật hiện nay, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã.

VIỆT ĐỨC

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bao-ve-ngay-cang-tot-hon-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-a154469.html