Bảo vệ môi trường, yếu tố then chốt để phát triển bền vững

Trước các thách thức về phát triển kinh tế xã hội như hiện thì công tác bảo vệ môi trường của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã trở thành mệnh lệnh đối với mỗi chúng ta.

Song để “mệnh lệnh” ấy đảm bảo đạt được hiệu quả cũng như phát triển bền vững trước các sức ép về phát triển kinh tế xã hội thì thật không dễ dàng chút nào khi mà vẫn còn đó những vi phạm, những tồn dư của hạ tầng yếu kém, của ý thức tuân thủ chưa cao.

Còn đó những trăn trở

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2017cho thấy, số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở chưa được thường xuyên và nghiêm túc; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường...

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thanh, kiểm tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 16,5 tỷ đồng.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 468 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính đối với 21 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là trên 2,5 tỷ đồng. Công an TP. Hà Nội thanh tra, kiểm tra 176 vụ, lập hồ sơ và đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 176 vụ, với tổng số tiền phạt khoảng 6,8 tỷ đồng; UBND các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm hành chính 391 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 7,1 tỷ đồng.

Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã rà soát và xác định được các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã, đã ghi nhận 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường tiêu biểu như lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch...

Đến những giải pháp cấp bách

Trước thực trạng của ô nhiễm môi trường hiện nay và đặc biệt là nhằm đạt được mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra và tiến hành triển khai những nhiệm vụ và giải pháp cấp bách.

Theo đó, Thành phố đã yêu cầu tăng cường năng lực và phối kết hợp giữa các cấp, ngành trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc triển khai, thực hiện được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chủ trương, chính sách của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố.

Bên cạnh đó là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ. Xem xét các quy định về bảo vệ môi trường để được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất sạch hơn… Cùng với đó là đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường điều tra, kiểm kê nguồn thải, kiểm soát các hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải…

Và những tín hiệu vui

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành và đặc biệt là việc triển khai, đồng bộ, bám sát các giải pháp, nhiệm vụ cũng như thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã bước đầu mang đến những tín hiệu đáng mừng thông qua những kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo đó, trong năm qua, thành phố đã thực hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C đối với 86 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh tại 49 hồ và máy sục khí tại 30 hồ, nạo vét bùn 6 hồ (Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, Cầu Tình, Kim Liên lớn và nhỏ, Hồ Trúc Bạch (phần eo hồ) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ. Trong năm 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, đồng thời tiến hành triển khai nạo vét cải tạo hồ Tây nhằm giảm lượng bùn thải, tăng lượng ôxy cho hệ sinh thái dưới nước.

Cùng với đó, trong năm qua, Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, trong đó đã triển khai thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng bằng việc thử nghiệm chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại đồng để làm phân bón hữu cơ cho đồng ruộng. Kết quả cho thấy, chính quyền địa phương và nông dân rất quan tâm và nghiêm túc thực hiện, hiệu quả của chế phẩm sử dụng cho kết quả cao. Và, theo lộ trình đề ra thì, năm 2018 - phường, xã không đốt rơm rạ; năm 2019 - quận, huyện không đốt rơm rạ; năm 2020 - thành phố không đốt rơm rạ.

Một điều đáng ghi nhận nữa là trong năm 2017, thành phố đã triển khai chương trình sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong. Theo đó đã tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong và nhu cầu, nhận thức của người dân đối với các loại bếp để từ đó đề xuất giải pháp thay thế, không sử dụng bếp than tổ ong. Đồng thời, Thành phố đã và đang triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền bảo đảm mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn, thân thiện môi trường… Với các điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường, Sở TN& MT cũng đã xây dựng lộ trình, biện pháp nhằm xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp và làng nghề; Quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nước sông, hồ và chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, kêu gọi sự hợp tác và tham gia của các ngành, các cấp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, sạch đẹp.

Phương Nhi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//bao-ve-moi-truong--yeu-to-then-chot--de-phat-trien-ben-vung_n36051.html