Bảo vệ môi trường vùng nông thôn

Cùng với các tiêu chí trong xây dựng NTM, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương cụ thể hóa tiêu chí số 17 của Chương trình xây dựng NTM về môi trường, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức và huy động sự vào cuộc chủ động của người dân trong công tác này.

Cánh đồng sản xuất rau an toàn xã Tiền An (TX Quảng Yên).

Cánh đồng sản xuất rau an toàn xã Tiền An (TX Quảng Yên).

Đặc biệt, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Đề án cải tạo môi trường tỉnh, quy hoạch quản lý tài nguyên nước, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng môi trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số… Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt, thành lập các tổ, hợp tác xã xây dựng và dịch vụ về môi trường; tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức giúp người dân nâng cao ý thức và từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh... để hình thành một môi trường trong sạch.

Cùng với đó, công tác quy hoạch bãi xử lý rác thải, nghĩa trang nhân dân cũng được các địa phương bố trí phù hợp với quy hoạch tổng thể, phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số... Vì vậy đã hạn chế tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường.

Quảng Ninh với hơn 60.000ha đất canh tác nông nghiệp, trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng từ 160-180 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thành phẩm và từ 20.000-30.000 tấn phân bón các loại. Thực tế cho thấy, việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh lớn, vì vậy công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và hóa chất BVTV không được phép sử dụng; tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách... Đến nay toàn tỉnh cũng xây dựng được 3.044 bể chứa bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng, góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường...

Người dân ngày càng nâng cao ý thức trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. (Ảnh: Nông dân huyện Bình Liêu thu hoạch lúa)

Song song với đó, thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới (Chương trình PforR), trên địa bàn tỉnh đã đưa 10 công trình cấp nước sinh hoạt với công suất thiết kế 15.390m3/ngày đêm, cấp nước đạt quy chuẩn 2 của Bộ Y tế cho trên 20.000 hộ/90.000 người dân vùng nông thôn trong tỉnh; xây mới và cải tạo 13.639 nhà tiêu hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; sửa chữa và xây mới 10 công trình vệ sinh trong trường học và 1 công trình vệ sinh trong trạm y tế...

Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực, tác động lớn đến đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bà Nguyễn Thị Gái (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên), cho biết: “So với trước đây, ngày nay môi trường nông thôn được cải thiện rất nhiều. Nhiều công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng đã giúp bà con vùng nông thôn có cuộc sống tốt hơn. Người dân được hưởng lợi trực tiếp nên ngày càng chủ động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, chấp hành tốt quy định của địa phương trong công tác giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp...”.

Hộ ông Đinh Đức Hạnh (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên) xây dựng hệ thống thoát nước thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hiện nay ở một số vùng nông thôn trong tỉnh, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn vẫn chưa thực sự hiệu quả; tại nhiều địa phương miền núi vẫn thiếu các bể chứa gói, bao thuốc BVTV sau sử dụng; chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản chưa được xử lý triệt để...

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường vùng nông thôn nói riêng, các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; xây dựng cảnh quan và hình thành các điểm sinh hoạt công cộng; thu hút doanh nghiệp và xã hội hóa đầu tư công tác bảo vệ môi trường... Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường...

Liên Hương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/bao-ve-moi-truong-vung-nong-thon-2493814/