Bảo vệ môi trường từ... tranh tường

Không chỉ làm đẹp cảnh quan, nhiều bức tranh tường ở các đô thị lớn ở nước ta còn lan tỏa những thông điệp nhân văn về việc bảo vệ môi trường, được cộng đồng yêu thích.

Khoảng 10 năm trở lại đây, tranh tường đã trở nên phổ biến ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ngày nay, tranh tường vừa góp phần làm đẹp phố phường, vừa tạo không gian vui chơi giải trí và là điểm đến của khách du lịch. Không chỉ vẽ trên tường, hiện nay, dòng hội họa này còn được sáng tạo và phát triển ở nhiều vị trí khác nhau như nhà trẻ, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng...

Mới đây, bức tranh chủ đề môi trường bên ngoài tường của Câu lạc bộ Mỹ (19 - 21 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) do nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Christine Nguyễn và 4 nghệ sĩ Việt Nam đồng thiết kế đã được khánh thành. Bức tranh tường khoảng 100m2 này tái hiện hình ảnh 3D sống động các loài động và thực vật, trong đó có một số loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Theo nghệ sĩ Tạ Thị Thu Hương (Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo cộng đồng) - người đồng thiết kế bức tranh tường kể trên, tác phẩm này vừa nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên vì một hành tinh xanh, đồng thời sẽ có thêm một điểm đến văn hóa nghệ thuật, tôn vinh danh hiệu “thành phố sáng tạo của thế giới” mà UNESCO đã trao cho Hà Nội.

Bức tranh chủ đề môi trường bên ngoài tường Câu lạc bộ Mỹ (Hà Nội) vừa được khánh thành.

Bức tranh chủ đề môi trường bên ngoài tường Câu lạc bộ Mỹ (Hà Nội) vừa được khánh thành.

Cũng tại Hà Nội, những bức tường xung quanh Trung tâm Thể thao quận Đống Đa đã được khoác lên mình tấm áo mới bởi những bức tranh bích họa 3D nổi bật với nhiều màu sắc. 10 bức tranh với gam màu sáng và tối đan xen nhau được các họa sĩ thể hiện vô cùng tỉ mỉ, khéo léo với Ga Hàng Cỏ, Văn Miếu Quốc Tử Giám... là những di tích lịch sử nổi tiếng. Từ khi xuất hiện những bức tranh tường tại Trung tâm Thể thao quận Đống Đa, ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đã được nâng lên, tình trạng dán tờ rơi quảng cáo trái phép vốn là vấn nạn đã không còn nữa.

Trong khi đó ở TP.HCM, các “nữ họa sĩ nghiệp dư” thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) đã biến mảng tường cũ trên 2 tuyến đường Sơn Kỳ và Đỗ Nhuận thành tác phẩm tuyên truyền về môi trường. Thông qua mỗi bức tranh tường về đại dương, cây xanh, trẻ em dọn rác, hạn chế sử dụng túi nylon, tái chế rác thải nhựa, tiết kiệm điện, nước...; các tác giả không chuyên mong muốn hằng ngày khi lưu thông qua những đoạn đường này, người dân sẽ tiếp nhận được các thông điệp, dần hình thành ý thức và hành động bảo vệ môi trường. Đoạn tường dài nham nhở trước đó do tình trạng viết vẽ bậy, dán quảng cáo, tờ rơi... nay đã được thay bằng những bức tranh về môi trường đầy màu sắc, trả lại mỹ quan đô thị và được người dân đánh giá cao.

Ngoài ra, các bức tường của nhiều căn nhà dọc tuyến đường sắt Mai Văn Ngọc (phường 10, quận Phú Nhuận) đã được các sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM vẽ, trang trí. Các sinh viên đã vẽ những hình ảnh sinh động về một thành phố văn minh, nghĩa tình với những bản trẻ đang kêu gọi mọi người có ý thức bảo vệ môi trường cùng các hình ảnh vui nhộn, các nhân vật hoạt hình, hoa lá đầy màu sắc đem lại cảm giác thích thú cho mọi người. Quận Phú Nhuận hiện còn có bức tường cao 3m, dài 10m (hẻm 17, đường Nguyễn Trọng Tuyển) được vẽ theo chủ đề “Nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩn thân thiện với môi trường, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.

Trước việc môi trường sống ngày càng bị xâm hại, sự xuất hiện của các bức tranh tường như một tiếng nói, nhắc nhở mọi người ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-ve-moi-truong-tu-tranh-tuong-n185786.html