Bảo vệ môi trường từ những động thái nhỏ nhất

Bao bì kiện hàng trong thương mại điện tử gồm bìa carton, mút xốp, xốp nilon chống sốc... lên tới 305.000 tấn trong năm qua tại Việt Nam. Đó là con số gây 'giật mình' với rất nhiều người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số liệu trên được một chuyên gia tư vấn của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chia sẻ tại một hội thảo tổ chức ngày 21/11 vừa qua. Chuyên gia này dẫn thông tin từ các đơn vị bưu chính cho biết, năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam giao hơn 1,8 tỷ kiện hàng, sử dụng 160.000 tấn bìa carton và 145.000 tấn nhựa các loại (mút xốp, xốp nilon chống sốc, túi nilon...).

Có rất nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp trong mua hàng trực tuyến. Tỷ trọng bao bì trên hàng hóa cao hơn rất nhiều so với giao dịch trên kênh truyền thống. “Thương mại điện tử gây nhiều tác hại tới môi trường, gồm việc sử dụng bao bì ở khâu đóng gói, hoàn thiện đơn hàng”, chuyên gia này đánh giá.

Ở góc độ bảo vệ môi trường, tình hình tệ hại hơn nữa khi trong các chương trình khuyến mãi, các đơn hàng giá trị rất nhỏ như chỉ 1.000 đồng, hay phí ship 0 đồng gây tác động tiêu cực ở chỗ “kích thích mua sắm thiếu trách nhiệm”. Vì với các đơn hàng giá trị thấp thế nào, dù chỉ 1 sản phẩm “tí hon”, người bán cũng phải đóng gói thành một kiện hàng. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm tùy hứng cũng gây hại môi trường khi nhiều đơn hàng phát sinh, thậm chí chia thành nhiều lần.

Một báo cáo nhận định, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á, tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm, dự báo đến 2030 sẽ đạt 63 tỷ USD, đứng thứ hai khu vực. Thị trường tăng trưởng nhanh, nhưng ý thức bảo vệ môi trường không tăng tương ứng. Chuyên gia WWF cho rằng, số nhựa dùng trong đóng gói của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác. Ví dụ, với 1 tỷ kiện hàng hóa mua trực tuyến, một nước bạn sử dụng 157.000 tấn bao bì, nhựa chiếm hơn 18%. Trong khi đó, Việt Nam sử dụng tới 166.000 tấn bao bì, hơn một nửa trong số này là nhựa các loại.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có tiêu chí, quy chuẩn về lĩnh vực trên. Xưa nay chúng ta đã có các chủ trương, chương trình, kế hoạch hạn chế sử dụng túi nilon; nhưng vấn đề quy định đóng gói bao bì sao cho tiết kiệm, hiệu quả, vừa chống lãng phí, vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; thì vẫn còn là khoảng trống. Tại hội thảo, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đang tham mưu xây dựng một bộ tiêu chí linh hoạt trong phát triển thương mại điện tử, trình Chính phủ thời gian tới. Đây là động thái rất cần thiết, nhằm hướng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển bền vững dựa trên cân bằng 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Về phía mỗi người tiêu dùng, cũng cần cân nhắc trước khi nhấn nút đặt mua một sản phẩm, đừng là người mua sắm thiếu trách nhiệm, gây hại cho bản thân chính chúng ta và cho cả môi trường.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-ve-moi-truong-tu-nhung-dong-thai-nho-nhat-post532721.html