Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Xác định hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu tới môi trường, do vậy, trong thời qua công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản luôn được tỉnh chú trọng.

Trạm xử lý nước thải mức +25 Núi Nhện (TP Cẩm Phả) là một trong 45 trạm xử lý nước thải mỏ được TKV đầu tư, đã đi vào hoạt động. Ảnh: Phạm Tăng

Trạm xử lý nước thải mức +25 Núi Nhện (TP Cẩm Phả) là một trong 45 trạm xử lý nước thải mỏ được TKV đầu tư, đã đi vào hoạt động. Ảnh: Phạm Tăng

Quảng Ninh có nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là than đá (chiếm trên 90% trữ lượng cả nước), tiếp đến là đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, pyrophylit, cát thủy tinh, đá granit…

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 131 dự án khai thác khoáng sản (trong đó 59 dự án khai thác than, 72 dự án khai thác vật liệu xây dựng và 1 Nhà máy thủy điện Khe Soong, công suất 3,6MW). Nhằm từng bước khắc phục hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, từ năm 2009, toàn bộ các dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới trên địa bàn tỉnh đều phải lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường thì mới được tỉnh xem xét làm thủ tục giao đất, cho thuê đất. Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Phê duyệt Đề án quản lý tài nguyên và BVMT trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý BVMT đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; thành lập Quỹ BVMT tỉnh Quảng Ninh; phê duyệt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020... Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm soát môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo trước khi đi vào vận hành các dự án phải thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT, xử lý chất thải...

Các địa phương cũng chủ động quản lý hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến GPMB, các thủ tục pháp lý về đất đai, khoáng sản và BVMT nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hệ thống phun sương dập bụi quạt cao áp tại bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn) đưa vào sử dụng cuối năm 2019 đang phát huy hiệu quả giảm thiểu bụi đáng kể. Ảnh: Phạm Tăng

Theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016, Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 13/12/2017; Nghị quyết số 136/NQ-NĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh quy định nguồn thu phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản từ than được điều tiết 100% cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về môi trường (trong đó, dành 80% chi đầu tư phát triển, 20% cho các nhiệm vụ chi thường xuyên sự nghiệp môi trường). Nguồn thu này đã được các địa phương sử dụng hiệu quả. Đơn cử, TP Hạ Long trong năm 2019 đã phân bổ 92,88 tỷ đồng cho 18 dự án công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp các hệ thống thoát nước chống ngập úng, cải tạo cảnh quan và cải thiện môi trường trên địa bàn; huyện Hoành Bồ (cũ) bố trí 3,562 tỷ đồng thực hiện cải tạo, nạo vét hệ thống thoát nước chống ngập úng khu vực hạ lưu sông suối, nạo vét rãnh thoát nước…

Về phía các đơn vị khai thác khoáng sản (đặc biệt là các đơn vị khai thác than) cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, BVMT; thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình BVMT nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tác động đến môi trường. Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hàng năm chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác này. Tập đoàn cùng với Tổng Công ty Đông Bắc tập trung triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 với hơn 100 công trình, hạng mục. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung 12 hạng mục, công trình ngoài Đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng.

Trong năm 2019, ngành Than còn trồng 468 ha cây cải tạo phục hồi môi trường (đưa tổng số diện tích bãi thải, khai trường đã cải tạo phục hồi môi trường lên 1.680ha); đầu tư xây dựng 4 công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá; 14 công trình nạo vét hệ thống thoát nước; 3 công trình giảm thiểu bụi, ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển; hoàn thành 57 trạm quan trắc môi trường tự động; hoàn thành việc di dời Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng và đưa Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai vào hoạt động ổn định sản xuất từ tháng 4/2019.

Các đơn vị khai thác khoáng sản ngoài than trên địa bàn đã có hệ thống rãnh, hố lắng thu gom nước mưa chảy tràn để lắng cặn trước khi thải ra môi trường. Một số đơn vị tận dụng nước mưa chảy tràn sau khi lắng cặn để tuần hoàn tưới nước dập bụi, phục vụ sản xuất, tạo cảnh quan môi trường. Các đơn vị đã chủ động thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và nộp tiền ký quỹ theo quy định...

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với BVMT, không chỉ giúp việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá mà còn là cơ sở để phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/bao-ve-moi-truong-trong-khai-thac-khoang-san-2500535/