Bảo vệ môi trường nông nghiệp: Trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn

Chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn tại hội nghị do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại TP. Huế.

 Hội nghị “Tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025". Ảnh: Tiến Thành.

Hội nghị “Tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025". Ảnh: Tiến Thành.

Ngày 23/4, tại TP. Huế, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025".

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2021-2025, xu hướng kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một phương thức tiếp cận để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Do đó, công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Giai đoạn 2016-2020, Bộ NN-PTNT đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và kỹ thuật liên quan về tài nguyên, môi trường; tăng cường công tác kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp;

Phối hợp với Bộ TN-MT thẩm định các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp trên tinh thần bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất lúa không phá vỡ quy hoạch và đảm bảo an ninh lương thực.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT cũng đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tránh xói mòn rửa trôi, phú dưỡng môi trường đất nông nghiệp hiệu quả như: Chương trình thâm canh lúa; “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”; loại 11 hoạt chất ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020;...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiến Thành.

Theo đó, trong 5 năm vừa qua, ngành NN-PTNT đã đạt được những kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng bình quân ước tính đạt 2,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 42 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực vẫn còn gia tăng, việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài dẫn đến đất bị chai cứng, giữ nước kém và màu mỡ của đất giảm, năng suất cây trồng giảm. Thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp. Chăn nuôi nông hộ chiếm tỉ lệ lớn gây ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã nêu lên nhưng tồn tại và giải pháp để bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, như: Giải pháp về kinh tế lâm nghiệp vì môi trường ; Thực trạng ô nhiễm và định hướng các giải pháp cải thiện môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi; Thực trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ và thách thức đến môi trường nông nghiệp; Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó như: vấn đề nước sạch, xả thải và chất rắn, quy hoạch làng nghề sản xuất, lạm dụng chất hóa học.

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đã đưa ra một số định hướng để khắc phục trong thời gian tới:

Cùng với việc đẩy mạnh việc tuyên truyền cần rà soát lại văn bản pháp luật, đặc biệt, các luật sửa đổi liên quan phát triển môi trường nông thôn; Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình đã được phê duyệt, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí ngân sách;

Quản lý chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề sản xuất và sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt đối với khâu sử dụng; Tạo nhiều thị trường cho những nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn;

Xây dựng chương trình, đề tài nghiên cứu khuyến nông, các biện pháp trồng trọt thân thiện môi trường và không chạy theo chỉ tiêu, năng suất.

Tiến Thành

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bao-ve-moi-truong-nong-nghiep-trong-tam-la-xay-dung-nen-nong-nghiep-tuan-hoan-d289087.html