Bảo vệ môi trường làng nghề

Nhằm từng bước khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực làng nghề, thành phố Hà Nội đang triển khai đề án bảo vệ môi trường làng nghề, để người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh.

Vận hành lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước sử dụng phế liệu nứa vầu tại làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Vận hành lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước sử dụng phế liệu nứa vầu tại làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Nhằm từng bước khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực làng nghề, thành phố Hà Nội đang triển khai đề án bảo vệ môi trường làng nghề, để người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh.

Xã Vạn Ðiểm (huyện Thường Tín) từ lâu đã nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Nhờ có nghề mộc, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo công ăn, việc làm, thu nhập khá cho người dân địa phương và hàng trăm lao động đến từ các địa bàn khác. Ðể tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, từ hơn mười năm trước, Vạn Ðiểm đã thành lập điểm công nghiệp làng nghề tập trung. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất của người dân ngày càng mở rộng, cụm điểm công nghiệp làng nghề nhanh chóng bị quá tải. Thiếu đất, người dân buộc phải tận dụng mọi địa điểm trong khu dân cư để sản xuất. Do chủ yếu sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình, công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, dẫn đến môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Cả xã như một xưởng mộc khổng lồ, với tiếng máy móc ồn ào, bụi gỗ vương vãi khắp nơi, mùi sơn nồng nặc. Cùng với đó, hàng trăm tấn phế thải làng nghề, nhất là mùn cưa, đầu mẩu gỗ thừa bừa bãi, thậm chí nhiều người còn đổ cả xuống ao hồ, ruộng sản xuất... Nhận thấy việc phế thải làng nghề bị vứt bỏ lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Văn Thảo, người dân thôn Bộ Ðầu, xã Vạn Ðiểm đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng tái chế mùn cưa thành than sinh học, với quy trình sản xuất khép kín. Mùn cưa được sàng lọc, loại bỏ tạp chất, ép thành thanh có dạng hình ống, sau đó đưa vào lò có nhiệt độ cao, với thời gian từ bảy đến mười ngày trong môi trường yếm khí để tạo thành than sinh học. Sản phẩm trông giống than củi, nhưng nhờ được đốt trong môi trường yếm khí cho nên nhiệt lượng cao, thời gian cháy kéo dài và không khói bụi, không mùi, giảm tác hại đến môi trường.

Nhận thấy ưu điểm của mô hình này, từ khi xưởng tái chế mùn cưa của ông Thảo mới đi vào sản xuất, các hộ dân trong xã ủng hộ, nhiều cơ sở còn cho mùn cưa, đầu mẩu gỗ. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, phần lớn lượng mùn cưa tồn đọng tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình đã được thu gom. Lượng mùn cưa đổ bừa bãi cũng nhanh chóng được thu gom sạch sẽ. Không chỉ giải quyết lượng mùn cưa tại xã Vạn Ðiểm, nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc lớn, hộ gia đình ở các xã chung quanh như Văn Nhân, Ðỗ Xá cũng đang phối hợp đơn vị để xử lý lượng phế thải làng nghề tồn đọng. Anh Tạ Văn Dương, người chuyên đi thu gom mùn cưa cho biết, người dân rất phấn khởi vì không còn lo lắng việc xử lý chất thải, mà có người đến tận nhà thu mua, vận chuyển. Nguy cơ mất an toàn cháy nổ cũng giảm bớt. Thay đổi lớn nhất là người dân có ý thức dọn dẹp nhà xưởng, bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Nhiều hộ đã thu gom, đóng mùn cưa vào bao tải trong khi chờ người chuyển đi xử lý.

Tương tự như xã Vạn Ðiểm, tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), địa phương có nghề sản xuất tăm hương quy mô lớn, mỗi ngày sử dụng từ 300 đến 500 tấn nứa, vầu, thải ra môi trường khoảng 70 tấn mùn cưa, đầu mẩu. Chất thải cũng không được thu gom, xử lý, bị đổ bừa bãi ra đồng ruộng, ven đường, gây cản trở giao thông, tắc nghẽn hệ thống thủy lợi. Ðể giải quyết vấn đề này, huyện Ứng Hòa đã giao cho doanh nghiệp xây dựng lò đốt rác thải làng nghề, với công suất năm tấn/ngày. Ðặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước từ phế thải của làng nghề. Nguyên lý hoạt động của lò là sử dụng mùn cưa, đầu mẩu nứa, vầu để làm nhiên liệu đun nóng nước trong nồi hơi. Sau đó không khí nóng trong nồi hơi được cấp cho lò sấy nguyên liệu. Nhờ có công nghệ này, một lượng lớn chất thải được tái sử dụng hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường làng nghề.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề, hoạt động sản xuất tại các làng nghề thu hút gần một triệu lao động, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của các làng và hơn 40% tổng số lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hoạt động làng nghề phát sinh ô nhiễm cao; phần lớn chất thải không được xử lý phù hợp. Vì thế, Ðề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tập trung vào các nhóm giải pháp chính về cơ chế chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; quy hoạch, di dời một số cơ sở vào khu, cụm công nghiệp. Thành phố tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, lạc hậu tại các làng nghề và đẩy mạnh nghiên cứu, ưu tiên chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp cho các hộ, cơ sở sản xuất với chi phí tiết kiệm, vận hành đơn giản, xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả cao. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Ðịnh khẳng định, Hà Nội luôn xác định công tác bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Thành phố sẽ bảo đảm phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Cùng với đó, đề án bảo vệ môi trường làng nghề được lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

VÂN MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34451402-bao-ve-moi-truong-lang-nghe.html