Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng

Chương trình 'Cùng nông dân bảo vệ môi trường' thể hiện trách nhiệm chung của cộng đồng xã hội.

Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật, Hội DN sản xuất và kinh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), các DN SXKD thuốc BVTV, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông và bà con nông dân là nòng cốt.

Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV xung quanh chương trình này.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV.

Thưa ông, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đang được triển khai như thế nào?

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV), phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời thực hiện từ năm 2012 – 2016. Tiếp nối được Cục BVTV mở rộng với sự tham gia của Hiệp hội DN sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), cũng như 50 DN SX và kinh doanh thuốc BVTV. Đặc biệt, có sự tham gia của Cty Insee Ecocycle Việt Nam trong khâu xử lý và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng.

Qua 7 năm thực hiện, chương trình này đã mang đến những hiệu quả thật rõ rệt. Theo đó, ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu của chương trình. Lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao SX nông nghiệp bền vững. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Đặc biệt, hàng năm Chương trình phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời và Liên đoàn Xe đạp - Mô tô xe thể thao Việt Nam tổ chức giải đua xe đạp ĐBSCL nhằm tuyên truyền và nâng cao ý nghĩ chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường.

Những kết quả chương trình đạt được trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Trải qua 7 năm, chương trình này thực hiện rất nhiều nội dung. Tuy nhiên, tập trung vào 3 nội dung chính như sau. Thứ nhất, công tác huấn luyện đào tạo. Cho đến nay, đã huấn luyện được 531 giảng viên, mở được 16.300 lớp tập huấn và đã huấn luyện cho hơn 650 ngàn bà con nông dân ở 22 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tập huấn cho 4.000 sinh viên ở các trường đại học Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang…

Thứ hai, công tác thông tin truyền thông. Cho đến nay, đã phát 590 ngàn tờ bướm và 26.500 cái poster tuyên truyền nhận thức về môi trường cũng như thực hành về môi trường. Chương trình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và đài phát thanh truyền hình để tuyên truyền.

Đặc biệt, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long hàng tuần đưa tin về chương trình. Ký thỏa thuận hợp tác thông tin với Báo NNVN hàng tháng đưa thông tin về chương trình. Đặc biệt, hàng năm phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời và Liên đoàn Xe đạp - Mô tô xe thể thao Việt Nam tổ chức cuộc đua xe đạp vùng ĐBSCL với chủ đề “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”.

Thứ ba, công tác xây dựng mô hình và hố chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Qua 7 năm, chương trình đã xây dựng được 180 mô hình trên những loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu, cây ăn trái và 891 hố chứa. Đối với bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV, chúng tôi tập huấn cho bà con theo 4 đúng để tạo ra sản phẩm an toàn không có dư lượng thuốc BVTV. Kết nối với các DN tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn bà con nông dân khi sử dụng thuốc BVTV súc rửa bao bì 3 lần để không còn dư lượng thuốc BVTV trong đó. Sau đó bỏ bao bì chai lọ vào hố chứa và định kỳ có xe thu gom mang đi tiêu hủy. Cho đến hiện nay, sau 7 năm thực hiện chúng tôi đã thu được hơn 71 tấn bao bì vỏ chai đã qua sử dụng và đưa đi tiêu hủy.

Hiệu quả rất thiết thực, ông muốn gửi đi thông điệp gì từ đây?

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đang được tiếp tục triển khai hiệu quả ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Dự kiến sang năm, chúng tôi sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Trung và hướng đến cả nước theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Qua đây, tôi muốn phát đi thông điệp “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng và xã hội”. Mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xin cảm ơn ông!

NGỌC THẮNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bao-ve-moi-truong-la-trach-nhiem-chung-cua-cong-dong-post249552.html