Bảo vệ môi trường là tiêu chí để phát triển bền vững

Ðọc bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi càng vững tin hơn vào con đường mà Ðảng, nhân dân ta đã lựa chọn. Bằng lý luận sắc bén và thực tiễn sinh động, Tổng Bí thư đã chứng minh sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, hợp quy luật; đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ vừa căn cốt, lâu dài vừa cấp bách, cần làm ngay. Một trong số các nhiệm vụ đó là công tác bảo vệ môi trường. Tôi rất tâm đắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đánh giá: bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững.

Chỉ cần mỗi cá nhân nhận biết các hành động tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa... là có thể mang đến một đời sống phát triển xanh và bền vững.

Chỉ cần mỗi cá nhân nhận biết các hành động tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa... là có thể mang đến một đời sống phát triển xanh và bền vững.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề toàn cầu, tác động lớn đến hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ðây là một trong nhiều hệ lụy do hoạt động sản xuất đề cao lợi nhuận, bất chấp môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, đời sống con người bị
đe dọa.

Tại Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo, Ðảng ta luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên luôn được bổ sung, hoàn thiện hơn. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từng bước phát huy, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế như việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả sử dụng chưa cao. Công tác quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị, rác thải khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn hạn chế. Tình trạng xâm nhập mặn gây hại ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền trung có chiều hướng gia tăng…

Tôi rất đồng tình với quan điểm của Tổng Bí thư. Ðó là, chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường.

Theo tôi, để thực hiện được, chúng ta cần chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn. Tiếp tục bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng và tăng độ che phủ rừng, nhất là duy trì độ che phủ rừng đầu nguồn, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…

Quyết tâm đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra.

Vũ Ðức Triển

(Kỹ sư lâm nghiệp, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/bao-ve-moi-truong-la-tieu-chi-de-phat-trien-ben-vung-651009/