Bảo vệ môi trường đường thủy

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) vừa thông qua kế hoạch mua các thuyền máy chạy điện để phục vụ hành khách đi lại dọc theo kênh Khlong Phadung Krung Kasem trong khu phố cổ của thành phố.

Sông Chao Phraya. chảy qua thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh TTXVN

Sông Chao Phraya. chảy qua thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh TTXVN

Việc mua sắm này là một phần trong chương trình của BMA nhằm hồi phục giao thông công cộng trên các con kênh ở Bangkok theo tiêu chí xanh và sạch. Dịch vụ thuyền điện mới sẽ do Công ty Krungthep Thanakhom (KT) của BMA điều hành. Công ty này sẽ nhận được 117 triệu baht (3,58 triệu USD) để vận hành dịch vụ thuyền máy trên kênh Khlong Phadung Krung Kasem. Một phần trong khoản tiền trên sẽ dùng để mua 7 thuyền điện có sức chứa 30 chỗ, sẽ hoạt động song song với những thuyền cũ chạy bằng động cơ diesel, trước khi những thuyền này được cho dừng hoạt động. Dự kiến, dịch vụ thuyền điện sẽ được khai trương trong tháng 11 tới.

Thuyền điện mới có chiều dài 10m, chiều rộng 3m, vận hành với tốc độ 15-20km/giờ nhằm giảm thiểu đường rẽ nước và không làm xói mòn bờ kênh. Thuyền có thể vận hành 10 giờ mỗi lần sạc và mất khoảng 30 phút để hoàn thành hành trình dài 5km. Việc đưa các thuyền điện vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi của hành khách 20-30 phút hiện nay xuống còn 7-10 phút. Một ưu điểm nữa là thuyền điện không gây tiếng ồn như thuyền chạy bằng động cơ diesel và không xả khói đen gây ô nhiễm môi trường. Người dân thành phố sẽ không phải phụ thuộc vào phương thức giao thông trên đường bộ mà còn có thêm một lựa chọn đi thuyền để tránh bị tắc đường. Dịch vụ thuyền điện còn nhắm tới các khách du lịch trong và ngoài nước khi được sử dụng để kết nối với mạng lưới tàu điện của thành phố cũng như các dịch vụ thuyền trên sông Chao Phraya.

Kênh Khlong Phadung Krung Kasem từng là một tuyến giao thông chính ở Bangkok, nhưng đã không được chú trọng hơn 50 năm qua. Ý tưởng hồi sinh tuyến giao thông này được đưa ra từ năm 2014, không lâu sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khánh thành chợ Pracharath trên kênh ở phía sau Tòa nhà Chính phủ. Với 1.161 con kênh trải dài trên diện tích 2.272km2, Bangkok từng được mô tả là thành phố kênh rạch, với giao thông đường thủy là phương tiện chính. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 tuyến đường thủy trong thành phố còn hoạt động, đó là các tuyến trên sông Chao Phraya cùng 2 con kênh Khlong Saen Saep và Khlong Phasi Charoen. Trước đó, Bộ Giao thông Thái Lan đã lên kế hoạch phát triển và hợp nhất 12 con kênh với hệ thống giao thông chính của thủ đô Bangkok để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Theo ý tưởng này, mạng lưới các con kênh sẽ được liên kết với hệ thống tàu điện và xe buýt để hoàn thiện kế hoạch của thành phố Bangkok nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe.
Từ năm ngoái, tình trạng ô nhiễm không khí với khói mù dày đặc bao phủ miền Bắc Thái Lan buộc chính phủ nước này phải khởi động một loạt dự án chống ô nhiễm môi trường, trong đó có việc cấm các phương tiện xả khói bẩn lưu thông trên đường phố. Tại thủ đô Bangkok, giao thông là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu, chiếm tới 72,5% lượng bụi trong thành phố, sau đó là tình trạng đốt chất thải nông nghiệp và khí thải công nghiệp. Việc đẩy mạnh giao thông đường thủy được giới chuyên gia môi trường đánh giá cao do góp phần giảm tải giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển du lịch ven sông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nội đô thành phố.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-ve-moi-truong-duong-thuy-657816.html