Bảo vệ mái nhà chung

Chiến dịch Giờ Trái đất Việt Nam 2019 (do Bộ Công thương phát động) mang thông điệp 'Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất'. Hoạt động này nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, đồng thời hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, bắt đầu đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện khi không cần thiết trong 1 giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất (từ 20h30 đến 21h30, tối 30/3).

Tuổi trẻ hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018.

Tuổi trẻ hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018.

Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên thế giới, được tổ chức lần đầu vào năm 2007. Từ đó tới nay, Giờ Trái đất trở thành sự kiện cộng đồng lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên vào tháng Ba, với sự tham gia của đông đảo người dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Tính đến nay, đã có khoảng 7.000 thành phố, thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch.

Theo thông tin ghi nhận, ở thời điểm bắt đầu kết nối cùng Chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu vào năm 2009, Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia. Nhưng đến nay, sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh thành, với sự hưởng ứng sâu rộng của các tổ chức, các doanh nghiệp, đặc biệt là người dân.

Dẫu thế, nguy cơ thiếu điện hiện đang là mối lo. Theo phân tích từ các chuyên gia, năng lượng tại Việt Nam hiện chủ yếu tập trung ở 3 loại là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. Về thủy điện Việt Nam đã gần như khai thác hết còn năng lượng tái tạo gần như chưa có. Chỉ có 2 dự án rất nhỏ; trong đó, có dự án điện gió Bạc Liêu công suất 92MW, mới đưa vào vận hành thô 50MW, hiệu suất phát điện cung cấp cho hệ thống nhỏ nên hiệu quả không cao; điện mặt trời là không đáng kể.

Mặc dù mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ đề ra cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay phát triển rất chậm.Và mặc dù quy hoạch có vai trò là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư các dự án, song các quy hoạch điện quốc gia vừa qua có thể nói chưa quan tâm thích đáng đến phát triển điện gió, điện mặt trời. Việc đề ra mục tiêu, định hướng phát triển hai nguồn điện này còn quá sơ sài, chung chung, nếu không phải là mang tính chiếu lệ, tượng trưng, thì cũng là để chờ quy hoạch tiếp theo…

Nhìn rộng ra, bảo vệ môi trường sống không chỉ là tiết kiệm điện, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Bảo vệ môi trường sống có thể bắt đầu từ câu chuyện cái túi nilon. Trong khi chiếc túi nilon đã bị cấm tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia bị cấm sử dụng trên phạm vi cả nước, thì tại Việt Nam, theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thực tế chưa có loại bao bì nào tiện lợi và rẻ hơn được phổ biến sử dụng để thay thế túi nilon.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Đáng chú ý là lượng túi nilon tăng theo từng năm. Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.

Nhiều khách du lịch tới Cù lao Chàm (TP Đà Nẵng) hẳn sẽ ấn tượng với việc người dân địa phương từ nhiều năm gần đầy đều nói “không” với việc sử dụng túi nilon. Mọi du khách tới sinh hoạt, du lịch dịch vụ trên đảo đều được khuyến cáo sử dụng túi giấy báo, lá… để thay thế túi nilon. Hay tại Bắc Giang, đã nhiều năm qua, người dân xã Liên Chung, huyện Tân Yên vẫn sử dụng làn để đi chợ đựng đồ, ít dùng túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường. Dẫu thế, việc triển khai những dự án bảo vệ môi trường sống- nhìn từ chiếc nilon vẫn gặp nhiều khó khăn, cách thu gom rác thải nion hiện chưa hiệu quả, chưa quản lý, kiểm soát để hạn chế được việc sản xuất và cung cấp túi nilon…

Ở các nước đang phát triển, việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi có từ tự nhiên đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ càng thêm nghèo khổ. Điều đó cho thấy bảo vệ môi trường không thể tách rời với việc xóa đói giảm nghèo. Còn đối với các nước phát triển thì với sự lớn mạnh của nền kinh tế đang làm tăng sử dụng các chất CFC (hóa chất do con người tổng hợp) với tốc độ và khối lượng lớn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng khí thải độc hại vào môi trường, là nguyên nhân chính gây thủng tầng ozon và hiệu ứng nhà kính.

Ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng sinh thái cũng đang diễn ra, bão lụt xảy ra thường xuyên, khí hậu biến đổi thất thường. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề quan trọng đối với nhiều thành phố lớn, các khu đông dân cư và vùng ven biển.Với tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức trầm trọng như hiện nay thì muốn bảo vệ môi trường cần có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng. Vì một cuộc sống xanh, vì mái nhà chung, hãy bắt đầu từ việc với tay tắt công tắc điện, không chỉ trong vòng 1 giờ, mà cần trở thành thói quen, ý thức thường trực khi ra khỏi nhà, lúc rời công sở.

Triết Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bao-ve-mai-nha-chung-tintuc431810