Bảo vệ 'lá phổi xanh' rừng phòng hộ Yên Lập

Sẵn sàng trực chiến đối mặt với lâm tặc, ngày đêm tuần tra trong những cánh rừng sâu... để bảo vệ màu xanh hơn 10.900ha rừng phòng hộ. Đó là công việc thường nhật của 12 kiểm lâm viên địa bàn thuộc Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ hồ Yên Lập. Dù vất vả, hiểm nguy, nhưng họ luôn yêu nghề, quyết tâm gìn giữ, bảo vệ 'lá phổi xanh' hồ Yên Lập.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại khu 87B, xã Dân Chủ (TP Hạ Long) nằm trong rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại khu 87B, xã Dân Chủ (TP Hạ Long) nằm trong rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Gian nan giữ rừng

Đầu tháng 11/2020, chúng tôi cùng các kiểm lâm của BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập thực hiện chuyến tuần tra tại khu vực lòng hồ Yên Lập. Chiếc ca nô chuyên dụng xuất phát từ sông Đồn (xã Quảng La, TP Hạ Long) chở đoàn chạy cắt ngang qua lòng hồ Yên Lập. Nếu thuận con nước, không bị ngược sóng, từ sông Đồn di chuyển đến Trạm Kiểm lâm Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) sẽ mất hơn nửa tiếng đồng hồ.

Hồ chứa nước Yên Lập có trữ lượng 127 triệu m3. Đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, hiện cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của 3 địa phương: Quảng Yên, Uông Bí và Hạ Long. Việc tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ hồ Yên Lập có ý nghĩa sống còn, bởi nếu rừng bị chặt hạ sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và sinh thủy cho hồ. Dọc cung đường tuần tra trên thủy, chúng tôi dễ bắt gặp hình ảnh tán rừng xanh ngút ngàn vươn mình in bóng xuống mặt hồ. Để giữ màu xanh cho những cánh rừng nơi đây, kiểm lâm địa bàn phải đối mặt với không ít gian nan, nguy hiểm, thậm chí tính mạng của họ còn bị rình rập trong suốt hành trình tuần tra.

Công việc tuần tra rừng của kiểm lâm địa bàn được duy trì tất cả các ngày trong tuần.

Anh Lê Văn Tuấn, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Sông Đồn, kể câu chuyện 8 năm trước, trong chuyến tuần tra tại khu vực 75A, xã Dân Chủ (TP Hạ Long), anh bất ngờ bị rắn độc cắn vào ngón tay phải. Những đồng nghiệp của anh đi cùng đã khẩn trương sơ cứu ban đầu, rồi dìu, cõng anh đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ băng qua đoạn đường rừng trước khi chuyển vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Do vết thương nặng, không xác định rõ loài rắn độc cắn, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển anh lên Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu điều trị. Sau 3 tuần nằm viện điều trị rắn độc cắn và chống hoại tử ngón tay, anh Tuấn may mắn qua khỏi. Không ít lần anh Tuấn chứng kiến đồng nghiệp của mình gặp nạn do bị ngã xe hay bị các đối tượng lâm tặc chống cự, đe dọa...

Anh Tuấn tâm sự: “Những lúc vất vả, hiểm nguy nhưng có đồng nghiệp sát cánh bên nhau giúp tôi vượt qua tất cả. Vụ rắn độc cắn tôi coi như là tai nạn nghề nghiệp. Nghề kiểm lâm phải thực sự yêu, coi, bảo vệ rừng như tính mạng của mình thì mới bám trụ nổi. Chừng nào rừng phòng hộ hồ Yên Lập còn nguy cơ bị xâm hại là chúng tôi sẵn sàng có mặt bất kể ngày, đêm để bảo vệ những tán rừng xanh…”.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Lập Nguyễn Đức Tâm chia sẻ: Nhiệm vụ tuần tra được duy trì các ngày trong tuần, có khi kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn trong rừng. Địa bàn rừng phòng hộ hồ Yên Lập gồm cả đường bộ và thủy, vì vậy quá trình tuần tra tương đối vất vả. Có những địa bàn cách xa, kiểm lâm phải gửi xe, đi bộ cả chục cây số mới đến nơi. Quá trình tuần tra, kiểm lâm phải trèo đèo, lội suối, bị muỗi, vắt rừng tấn công…, là những thách thức mà người tuần rừng hay gặp phải. Chưa kể, nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không có người thạo địa bàn dẫn đường thì rất dễ bị lạc, do sóng điện thoại thường xuyên gián đoạn. Thế nhưng, tất cả kiểm lâm địa bàn đều xác định sẽ sẵn sàng giáp mặt ở “điểm nóng”, vượt qua nguy hiểm, gian nan ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhằm giữ màu xanh rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Ông Đỗ Xuân Trường, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập, phân công kiểm lâm địa bàn thay phiên nhau trực 24 giờ/ngày để bảo vệ rừng.

“3 bám” để bảo vệ rừng

Rừng phòng hộ hồ Yên Lập có diện tích hơn 10.960ha; trong đó rừng tự nhiên hơn 8.300ha, rừng trồng hơn 1.300ha, còn lại diện tích mặt nước và diện tích chưa có rừng quy hoạch. Độ che phủ rừng phòng hộ Yên Lập hiện đạt 90,83%. Rừng phòng hộ hồ Yên Lập trải rộng trên 5 địa bàn xã, phường: Tân Dân, Quảng La, Bằng Cả, Dân Chủ (TP Hạ Long); Minh Thành (TX Quảng Yên). Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập hiện có 2 trạm chính là Trạm Kiểm lâm sông Đồn và Trạm Kiểm lâm Minh Thành. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Ban là 26 người; trong đó, có 12 kiểm lâm địa bàn. Bình quân mỗi kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 900ha rừng phòng hộ.

Để tiện quản lý, theo dõi, rừng phòng hộ hồ Yên Lập được chia thành 13 tiểu khu. Diện tích rừng lớn, địa bàn trải rộng, vì vậy trọng trách trên vai của những người “gác rừng” nơi đây ngày càng nặng nề. Cùng với việc tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai công tác bảo vệ phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn còn thực hiện phương châm “3 bám” (bám chính quyền, bám rừng, bám dân) để bảo vệ rừng hiệu quả.

Lực lượng kiểm lâm nắm bắt thông tin địa bàn tại gia đình ông Nguyễn Văn Thiếp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2 (xã Quảng La, TP Hạ Long).

Thôn 2 (xã Quảng La) hiện có 115 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp. Mỗi hộ dân có 1-2ha rừng sản xuất. Do rừng sản xuất của các hộ nằm giáp ranh chủ yếu với rừng phòng hộ hồ Yên Lập, vì vậy trước đây thôn 2 từng là “điểm nóng”, thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy. Tuy nhiên hiện nay tình trạng này cơ bản chấm dứt. Các nhóm, tổ bảo vệ rừng trong xã thường xuyên phối hợp với kiểm lâm tổ chức kiểm tra rừng, tuần tra ngày đêm trên các tuyến đường, ngăn chặn các xe máy, ô tô vận chuyển gỗ trái phép; kiểm tra chặt chẽ các xưởng mộc, xưởng xẻ gỗ; cài cắm thông tin, theo dõi các trường hợp để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Văn Thiếp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, cho biết: Bất kể ngày, đêm, khi nhận được thông báo của nhân dân, lực lượng kiểm lâm đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi xâm hại đến rừng. Nhờ có kiểm lâm bám rừng, tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân trong công tác bảo vệ rừng, đến nay tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong rừng phòng hộ hồ Yên Lập đã giảm rõ rệt.

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Yên Lập trực quan sát rừng 24h/ngày.

Thống kê của BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập, từ năm 2019 đến tháng 10/2020, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, lập biên bản xử lý 27 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Ông Đỗ Xuân Trường, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép, lực lượng kiểm lâm đã thực hiện kiểm soát nhiều tuyến đường mòn cửa rừng; tăng cường xuống địa bàn nắm bắt thông tin, tình hình để phát hiện, xử lý vụ việc kịp thời. Lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng phá rừng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng kiểm lâm rất mỏng, các trang thiết bị đã cũ, lạc hậu, không có nơi neo đậu, tránh trú bão. Song lực lượng kiểm lâm vẫn quyết tâm bám rừng để giữ màu xanh cho rừng phòng hộ.

Phạm Tăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/bao-ve-la-phoi-xanh-rung-phong-ho-yen-lap-2508991/