Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ, cao tốc

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, cao tốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Tổng cục Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các năm qua, Cục Quản lý đường bộ (Cục QLĐB), Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT), các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên qua công tác kiểm tra cho thấy một số công trình thiết yếu thi công trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an toàn kết cấu, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ (nhiều nơi do thi công đường ống nước trái phép qua đường đã gây ra lún, sụt nền, mặt đường…).

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên với mục tiêu không để phát sinh thêm các công trình thi công trái phép mà không bị xử lý, Tổng cục yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện các hoạt động quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý đường bộ (Cục QLĐB hoặc Sở GTVT) để phối hợp thực hiện.

Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị rà soát tổng thể, kiểm tra tình hình cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu và chất lượng kết cấu hoàn trả hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ sử dụng vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ theo hình thức hợp đồng BOT. Trường hợp phát hiện các vi phạm thi công trái phép, các Cục QLĐB và Sở GTVT kiên quyết xử lý ngay, lập biên bản, xử phạt nghiêm các vi phạm, yêu cầu di dời và hoàn trả nguyên trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị ảnh hưởng.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các quan chức năng tổ chức cưỡng chế vi phạm, đấu tranh ngăn chặn hiện tượng vi phạm. Đồng thời, có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo nếu UBND cấp huyện không thực hiện. Trường hợp vi phạm không được xử lý báo cáo để Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, cơ quan nhà nước cấp trên hoặc đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo xử lý.

Trước khi cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu, các Cục QLĐB và Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xem xét kỹ hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo giao thông, kết cấu hoàn trả phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chỉ đạo tăng cường lực lượng tuần kiểm, tuần đường để phát hiện và xử lý, xử phạt hành chính kịp thời theo thẩm quyền, không để vi phạm kéo dài; đồng thời phân công rõ trách nhiệm để nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác này; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra các vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là việc thi công trái phép.

Có các biện pháp để phát hiện kịp thời các vi phạm; thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn vi phạm; không để vi phạm kéo dài nhưng không được xử lý dẫn đến hiện tượng coi thường pháp luật, không chịu khắc phục.

T.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-ve-ket-cau-ha-tang-giao-thong-tren-quoc-lo-cao-toc-148568.html