Bảo vệ hôn nhân là trách nhiệm của cha mẹ với cuộc đời con trẻ.

Vợ chồng khi ly hôn chủ yếu là họ giải quyết vấn đề của chính họ chứ ít khi họ để ý đến những đau đớn, tổn thương về mặt tinh thần của con trẻ.

Chị Trần Thanh ở Hải Phòng tâm sự: Hồi bé gái lớn nhà chị vào lớp sáu, bé gái thứ hai bước vào lớp một thì chồng chị phải gái và nhất quyết đòi li dị. Chị tìm mọi cách để cứu vãn nhưng không được, anh ta bán nhà và ba mẹ con chị ra đường. Thân cô thế cô, chị đành gửi hai con gái lại cho mẹ chồng và sang Đài Loan làm ăn.

Sau hai năm trở về, tích cóp được một số vốn, chị đón hai con về ở với mình. Khi ấy cháu thứ hai đã vào lớp ba, cháu rất ngỗ nghịch và khó bảo, đặc biệt là tính ăn cắp vặt nổi lên một cách rõ rệt. Cháu rất hay lấy trộm tiền trong ví mẹ. Lúc đầu chị bán tín bán nghi, nhưng sau đó chị ngầm theo dõi và khẳng định điều đó một cách hoàn toàn chắc chắn. Phiền một nỗi con bé cố tình ăn cắp, ăn cắp một cách rất khôn ngoan và tinh vi. Kể cả bạn chị đến nhà chơi cháu cũng rình chỉ cần họ sơ hở là ăn cắp tiền của họ.

Chị Trần Thanh rất buồn và lo lắng, chị suy nghĩ trước đây ở với chị cháu là đứa bé ngoan ngoãn xinh xắn dễ thương, chưa bao giờ thấy cháu có biểu hiện tắt mắt.

Việc li hôn của cha mẹ có thể đẩy các con vào những bất trắc khó lường

Khi đứng trước việc ly hôn của cha mẹ, con cái sẽ bị mất mát lớn về mặt tinh thần, bị tổn thương nhiều về tâm lý, mặc cảm tự ti với chúng bạn với xã hội bên ngoài đã khiến trẻ vô cùng sợ hãi rồi. Nếu cha mẹ li hôn, trẻ không được sống cùng cha hoặc mẹ thì điều ấy càng khiến trẻ vô cùng sợ hãi, trẻ cảm thấy mình bị cha mẹ bỏ rơi khi phải ở với cô bác hoặc ông bà.

Bé gái nhà chị Trần Thanh cũng là một trường hợp như thế. Hai chị em ở với bà nội, nhưng bà nội lại sống phụ thuộc vào anh con trưởng. Việc tự nhiên phải gánh nặng thêm hai cô cháu gái khiến bà bác dâu ra ngấm vào nguýt. Bé thứ hai tính tình lại nhạy cảm. Bé luôn cảm thấy sợ hãi khi bị mắng mỏ, thèm khát mọi thứ và luôn thấy lo sợ khi bà nội kêu túng quẫn khi phải nuôi hai chị em bé. Có lẽ tính ăn cắp của bé phát sinh do áp lực về tinh thần sau khi cha mẹ li hôn. Bé thấy mình luôn sợ hãi và có cả nhiều lúc đói khát và thèm ăn mà không được đáp ứng.

Chị Hoài An ở Hà Nội thì lại khác một chút. Chị li hôn và trốn chạy anh chồng là xã hội đen lên gửi cô con gái cho bố mẹ đẻ nuôi rồi sang Nhật lao động. Con gái chị ở với ông bà tuy không bị áp lực về kinh tế, bé cũng được quan tâm nhưng cô bé luôn nhớ bố mẹ. Trong mắt gia đình chị Hoài An, bố của bé là một người chẳng ra sao, sống tạm bợ và có thể bị giết bất cứ lúc nào, và họ cũng chẳng ngại ngần bình luận điều đó trước mặt bé. Học đến lớp sáu, bé đã có thể tự mình tìm hiểu mọi điều, bé thấy luôn lo lắng cho cả bố và mẹ.

Đặc biệt chị Hoài An khi mới sang Nhật chưa quen với cuộc sống mới nên cũng rất áp lực. Chính việc của chị cũng khiến con bé lo lắng không yên. Con bé luôn gọi điện cho mẹ hỏi về sóng thần, về các băng cướp hoặc tội phạm.

Đặt mình vào những giới hạn để bảo vệ hôn nhân cũng là cách thể hiện trách nhiệm của cha mẹ với cuộc đời con trẻ.

Chỉ hơn năm cha mẹ li hôn, con gái chị Hoài An từ học sinh giỏi toàn diện, vui vẻ hòa đồng trở thành một cô bé học hành sa sút, luôn lo lắng sợ hãi. Thế rồi bé bị mất ngủ hoàn toàn, trầm cảm rất nặng và lúc nào cũng ám ảnh cảnh mẹ ở Nhật bị sóng thần và bố có thể bị giết bất cứ lúc nào.

Hai trường hợp trên đây chỉ là cá biệt trong số những trẻ có bố mẹ li hôn. May mà cả hai chị Trần Thanh và Hoài An đều đến tìm gặp chuyên gia tâm lý. Tình thương yêu và sự kiên trì đúng lúc của cả hai chị đã chiến thắng bệnh tật do sang chấn tinh thần của các con.

Người lớn khi ly hôn chủ yếu là họ giải quyết vấn đề của chính họ chứ ít khi họ để ý đến những đau đớn tổn thương về mặt tinh thần của con trẻ. Những nỗi đau về tinh thần từ tấm bé rất khó liền, khó phai nhạt. Cuộc sống vốn đầy bất trắc. Việc li hôn của cha mẹ cũng có thể đẩy các bé vào những bất trắc khó lường. Đặt mình vào những giới hạn để bảo vệ hôn nhân cũng là cách thể hiện trách nhiệm của cha mẹ với cuộc đời con trẻ.

NGUYỄN LOAN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bao-ve-hon-nhan-la-trach-nhiem-cua-cha-me-voi-cuoc-doi-con-tre-21354.html