Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng bởi việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá

Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi và dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotine.

Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ, để thay thế cho hàng triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.

Bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.

Không còn tàn thuốc lá và chỉ còn hoa là biểu tượng cho Ngày Thế giới không thuốc lá.

Không còn tàn thuốc lá và chỉ còn hoa là biểu tượng cho Ngày Thế giới không thuốc lá.

Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 do Tổ chức Y tế thế giới phát động nhằm chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá như: Giới thiệu các sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế “sành điệu”, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới này; Quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường; Tài trợ cho người nổi tiếng / người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới cho thanh niên; Tài trợ cho các cuộc thi để quảng bá các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm nicotine; Tiếp thị, cung cấp các tài liệu và hộp trưng bày thể hiện thương hiệu sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán hàng nơi trẻ em thường lui tới như cửa hàng đồ ngọt, đồ ăn nhẹ hoặc nước uống có ga; Bán thuốc lá dạng điếu rời và các sản phẩm nicotine khác gần trường học để dễ dàng tiếp cận học sinh; Tiếp thị gián tiếp các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình; Kiện tụng làm suy yếu các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá như chính sách về in cảnh báo sức khỏe, quy định trưng bày tại điểm bán lẻ và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá khác đã được chứng minh là hiệu quả trong việc ngăn ngừa hút thuốc; Đưa ra thông điệp: hút thuốc lá là sự tự do lựa chọn cá nhân, trong khi bằng nhiều biện pháp, các tập đoàn thuốc lá trên thế giới nỗ lực thúc đẩy hoạt động nhằm tạo ra và duy trì một thế hệ nghiện nicotine và các sản phẩm thuốc lá.

Ngoài ra cũng trang bị các thông tin giúp thanh thiếu niên nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như bản chất các chiến thuật quảng cáo thuốc lá nhằm lôi kéo các thế hệ hiện tại và tương lai nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá, bất chấp việc gây ra hàng triệu ca tử vong sớm do thuốc lá mỗi năm. Huy động và thông qua sự tham gia của những người có ảnh hưởng trong xã hội để tác động, kêu gọi thanh niên tham gia các hoạt động tuyên truyền về ảnh hưởng của nghiện chất nicotine đến thế hệ trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine; Thế hệ trẻ cần cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/bao-ve-gioi-tre-khoi-anh-huong-boi-viec-quang-cao-va-su-dung-cac-san-pham-thuoc-la-597163/