Bảo vệ đưa người không có vé vào sân: Nghi ngờ

Nhiều người hâm mộ bóng đá nhận định việc bảo vệ đưa người không có vé vào sân Mỹ Đình có thể có sự câu kết giữa các khâu với nhau.

Vào khoảng 17h chiều 6/12, tại cửa soát vé của SVĐ quốc gia Mỹ Đình, trong khi đang làm nhiệm vụ, tổ công tác Đội CSHS CAQ Nam Từ Liêm phát hiện có một số người không có vé nhưng qua ám hiệu của nhân viên bảo vệ cũng đã được vào sân.

Nghi ngờ có sự gian lận, tổ công tác đã yêu cầu nhóm nhân viên bảo vệ của Công ty KTC về trụ sở cơ quan công an để làm rõ. Mở rộng điều tra, tổ công tác còn phát hiện thêm 3 người khác có liên quan.

Qua điều tra được biết nhóm nhân viên bảo vệ đã thiết lập đường dây liên hoàn, từ kiếm người có nhu cầu xem trận đấu, hướng dẫn đi đến các cửa soát vé và tìm cách đưa người... không có vé vào sân, thu 1 triệu đồng/người.

Trước việc nhóm nhân viên bảo vệ đưa người không có vé vào bên trong một cách dễ dàng khiến nhiều người bức xúc và nghi rằng việc làm này có sự kết nối với các khâu soát vé với nhau hoặc có một đường dây nào đó mà giờ mới bị lực lượng chức năng phát hiện ra.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Hà, Hà Nội) cho biết: "Đến 18 giờ chiều qua (6/12-PV), tôi cũng đã mua cho mình được chiếc vé để vào xem và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam. Trong các trận trước tôi cũng không bỏ lỡ trận nào nên trận này tôi cũng cố gắng vào xem cho bằng được. Để vào được sân xem tôi cũng như nhiều người phải đi qua các cửa soát vé".

Anh Hùng kể: "Ban đầu người hâm mộ sẽ cầm vé để được qua cửa cổng và vào được vào bên trong. Vào tiếp cửa trong, tôi được nhân viên soát vé quét mã vạch vé. Bước cuối cùng tôi được nhân viên kiểm tra lần cuối cuống vé rồi đóng dấu sau đó tôi mới được qua cửa để vào trong sân xem đội tuyển thi đấu.

Tôi nghĩ việc họ soát vé nghiêm ngặt là cần thiết để tránh gian lận và đảm bảo an toàn khi xem bóng đá. Tuy nhiên việc nhân viên dễ dàng đưa được những người không có vé vào bên trong sân tôi nghĩ có thể họ đã có một đường dây từ trước và có sự kết hợp giữa các khâu với nhau để đưa những khán giả kia qua 3 cửa và không gặp vấn đề gì".

Cùng chung nhận định trên, chị Lê Hoài Thương (Trung Kính, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi mua được vé để vào cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam. Vì đây là lần đầu được vào sân xem trực tiếp nên tôi khá bỡ ngỡ khi làm thủ tục vào xem.

Đầu tiên tôi phải xếp hàng để được vào bên trong, lúc này có rất nhiều cảnh sát cơ động đứng ở đó để đảm bảo trật tự. Sau khi vào được sân vận động, tôi phải qua tiếp một cửa để dò kim loại xem có mang theo các thiết bị cấm hay không?. Sau đó tôi tiếp tục được dẫn đi qua máy quét để lấy mã vạch.

Sau cùng tôi được hướng dẫn qua cửa cuối cùng để lên khán đài. Tại cửa này chỉ còn một anh cơ động đứng kiểm tra lại vé cho tôi và hướng dẫn tôi ngồi vào đúng vị trí in trên vé".

Nhóm nhân viên đưa người không vé vào sân với giá 1 triệu đồng/người (Ảnh ANTĐ)

Theo chị Thương, có nhiều cách để vào sân vận động và qua cửa đầu tiên, tuy nhiên khâu tiếp theo thường phải có vé để họ kiểm tra rồi quét mã vạch sau đó mới được vào tiếp.

"Tôi không biết những người không có vé họ lên khán đài bằng cách nào nhưng tôi nghĩ để qua được cửa có thể các khâu soát vé đã có sự liên kết với nhau" -chị Thương nhận định.

Theo thông tin từ công an, qua lời khai của nhóm nhân viên bảo vệ Công ty KTC xác định, Công ty KTC được Ban Quản lý SVĐ quốc gia Mỹ Đình thuê để bảo vệ trận đấu. Do không đủ nhân lực nên Công ty đã thuê thêm một số người làm theo giờ (lao động thời vụ) để làm nhiệm vụ soát vé.

Trong số này có Nguyễn Long An trú tại Kinh Môn, Hải Dương. An quen một người đàn ông tên Dũng và 2 người thỏa thuận sẽ đưa người không có vé vào sân và sẽ được chia tiền công. Cùng tổ bảo vệ với An có Đào Quang Trường trú tại Uông Bí, Quảng Ninh cũng là lao động thời vụ và Nguyễn Ngọc Lân trú tại Đông Anh, Hà Nội là nhân viên chính thức của Công ty KTC. Cả 3 đã thống nhất với Dũng đưa khách của Dũng vào sân và nhận tiền công sau.

Khoảng 16h30, qua mối quan hệ quen biết với Dũng nên Đặng Thành Đ và Đào Văn H là sinh viên các trường Đại học cũng đến xin ứng tuyển vị trí bảo vệ. Tuy nhiên tại thời điểm này, Công ty dừng tuyển dụng lao động thời vụ, Dũng đã bảo Đ và H làm nhiệm vụ chở khách đến điểm hẹn để đưa vào sân. Đ và H đã đồng ý.

Cũng thông qua mối quan hệ xã hội, Đỗ Văn Th trú tại Nam Trực, Nam Định đã biết Dũng và đã được anh ta nhờ tìm người có nhu cầu xem bóng đá, đưa vào sân với giá 800.000 đồng/người. Thắng đã tìm được 8 người, thu tổng cộng số tiền 7,8 triệu đồng và sau đó có 6 người đã vào được bên trong SVĐ.

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/bao-ve-dua-nguoi-khong-co-ve-vao-san-nghi-ngo-3370613/