Bảo vệ động vật quý hiếm đang bên bờ tuyệt chủng

Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk có diện tích gần bằng cả tỉnh Thái Bình. Là cái 'nôi' của nhiều loài động vật quý hiếm, một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng ở đây, công tác bảo vệ động thực vật ở một vườn quốc gia lớn nhất nước này có nhiều điều thú vị.

Anh A Quân (người đi sau), kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đi điều tra thú mồi hổ vào ban đêm. Ảnh: Hải Luận

Anh A Quân (người đi sau), kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đi điều tra thú mồi hổ vào ban đêm. Ảnh: Hải Luận

Điều tra mồi cho hổ

Tôi ở lại đêm Trạm Kiểm lâm Đắk Ruê, Vườn quốc gia Yok Đôn. Anh Đinh Xuân Kiên, Trạm trưởng, giới thiệu từng nhân viên của trạm rồi nói: “Còn đây là A Quân, chuyên gia mồi của hổ”.

- Trạm mình có nuôi hổ à? - Tôi hỏi.

- Được sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), chúng tôi tiến hành điều tra tại Vườn quốc gia Yok Đôn xem lượng mồi ăn của hổ là heo, nai, bò... có được bao nhiêu. Nếu thấy đủ mồi cho hổ ăn, sẽ thả hổ vào rừng, nuôi.

- Thời gian điều tra bao lâu?

- Chúng tôi điều tra 2 năm rồi. Thời gian phụ thuộc vào động vật của rừng. Nhanh thì 5 năm, chậm thì 20 năm không chừng – A Quân tiếp lời.

Khoảng 20 giờ, A Quân và anh Trạm phó Kiểm lâm Đắk Ruê chuẩn bị tăng võng, dao găm, ba lô đựng thiết bị, súng... đi tuần. Họ phải đi cả đêm trong rừng tới gần điểm thú trú ngụ rồi móc võng ngủ lại. 4 giờ sáng, họ phải mò đến điểm mai phục để đếm thú rừng, khoảng 9 đến 11 giờ sáng hôm sau mới quay về trạm.

- Mỗi lần các anh đi thấy thú rừng nhiều không?

- Có hôm thấy heo, nai, trâu rừng, có nhiều hôm không gặp con nào.

- Mùa khô này, các anh cứ đến suối, vũng nước thú rừng ra uống nước, tha hồ mà đếm? - Tôi “kiếm chuyện”.

- Đâu phải muốn đi tìm đâu cũng được, làm theo kiểu đó không trung thực. Vì một con nai, con heo nó sẽ chạy từ chỗ này qua chỗ kia. Hôm nay đếm được nó, ngày mai đếm lại nó, ngày kia qua chỗ khác lại gặp đếm tiếp. Các chuyên gia họ đã vạch ra tuyến điều tra, chấm bằng tọa độ định vị toàn cầu, điều tra viên cứ đi theo vạch tuyến, gặp được thú đếm bằng mắt và đo đếm bằng máy. Làm theo kiểu này không báo cáo láo được.

Ông Lê Quốc Thiện (WWF Việt Nam), Điều phối viên khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn và Khu bảo tồn Mondulkiri, Campuchia, tóm lược dự án thả hổ về rừng: “Chương trình tái thả hổ tại vùng trọng điểm Khu bảo tồn Mondulkiri, Campuchia, giáp ranh với Vườn quốc gia Yok Đôn, do WWF thực hiện. Với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có hổ đạt cam kết quốc tế là nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên vào năm 2022, Chương trình tái thả hổ ở rừng Mondulkiri, Campuchia đã được Thủ tướng Campuchia Hun Sen phê duyệt.

Việt Nam được xác định là vùng phụ cận và đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình tái thả hổ của Campuchia. Do đó, khi hoạt động tái thả hổ được triển khai, Việt Nam cần tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ rừng, hợp tác xuyên biên giới, giám sát đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường để phục hồi các loài thú móng guốc là thú mồi của hổ”.

Nỗ lực bảo vệ đàn voi

Anh Kiên, Trạm trưởng dẫn tôi đi ra phía sau trạm, có những cây gỗ cao to, nói như muốn khoe: “Trước mặt anh là cây gỗ cẩm, nhóm 1 quý hiếm, bên kia có mấy cây gỗ giáng hương, nhóm 2A quý hiếm. Vào sâu trong rừng có rất nhiều cây gỗ quý hiếm, chúng tôi đã đánh dấu bằng máy định vị vệ tinh, mỗi khi đi tuần phải ghé kiểm tra nó. Trước đây xung quanh trạm trồng nhiều chuối, ban đêm từng đàn voi về ăn, để đảm bảo an toàn tính mạng cho anh em, trạm bỏ không trồng chuối nữa. Mấy tháng trước, anh em ở trạm đã quay clip và đếm được chính xác đàn voi có 30 con đi ra phía ngoài bìa rừng”.

- Vườn Yok Đôn còn khoảng bao nhiêu con voi? - Tôi hỏi.

- Nếu nói chính xác thì không thể. Tôi làm kiểm lâm ở Vườn quốc gia Yok Đôn 24 năm, luân chuyển qua nhiều trạm của vườn, đến trạm nào cũng gặp voi. Voi là động vật rất khôn ngoan, chỗ nào có thức ăn thì nó tìm tới. Nhiều vùng rẫy của đồng bào trồng bắp, phía vòng ngoài bà con trồng bắp đỏ (hạt cứng) dày đặc, phía giữa trồng bắp trắng (hạt mềm, thơm). Ban đêm, voi đi lách vào sâu ở giữa đúng đám bắp trắng ăn. Dọc Quốc lộ 29, mùa thu hoạch mì (sắn), xe ô tô chở rơi mì xuống, ban đêm, voi thường hay ra tìm ăn. Có lần, voi vào trong sân Trạm Kiểm lâm Đắk Ruê lật đồ kiếm ăn.

Tìm hiểu tập tính voi tự nhiên là một công việc đầy cảm xúc của nhiều cán bộ kiểm lâm. Anh Hoàng Cao Bắc, nhân viên Vườn quốc gia Yok Đôn, kể: “Tôi đã bỏ công tìm hiểu thêm về tập tính của voi. Nó thích sống theo bầy đàn, con đầu đàn luôn giữ vai trò “lãnh đạo”, đi tiên phong tìm kiếm thức ăn, nguồn nước uống. Có lần, tôi quan sát con đầu đàn đi trước tìm kiếm nguồn thức ăn, các con voi khác đứng chờ đợi gần 2 giờ. Phát hiện “mục tiêu”, con đầu đàn cất lên tiếng hú báo hiệu có thức ăn, cả đàn voi bắt đầu xếp hàng đi theo”.

Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những vườn quốc gia rộng nhất Việt Nam. Tổng diện tích tự nhiên hơn 115.000ha, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới khô của khu vực Đông Nam Á “rừng khộp”. Hệ động vật có 89 loài thú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng nghìn loài côn trùng khác. Trong số này có tới 30 loài thú, 20 loài chim và một số loài bò sát quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như: Voi, nai cà toong, bò xám, bò tót, bò rừng, trâu rừng, báo, hổ, công, gà lôi, sóc bay, hồng hoàng...

WWF đã thống kê số lượng cả voi nuôi và voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk đều giảm mạnh trong vòng 40 năm qua. Từ năm 2009 đến năm 2016, ghi nhận 23 con voi chết, chiếm 32% quần thể hoang dã, trong đó có khoảng 75% là voi trẻ. Với tốc độ này, WWF ước tính rằng voi hoang dã sẽ bị tuyệt chủng ở Đắk Lắk trong những năm tới, nếu không có hành động bảo vệ.

Chính vì vậy, những năm qua, WWF đã phối hợp chặt chẽ với Vườn quốc gia Yok Đôn và các ban, ngành của địa phương nỗ lực bảo tồn đàn voi hoang dã lớn nhất cả nước tại tỉnh Đắk Lắk.

Ông Thiện nêu mấy giải pháp của WWF: “Thứ nhất, hỗ trợ xây dựng kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi hoang dã, tạo tiền đề cho các nỗ lực bảo tồn loài. Thứ hai, hỗ trợ các khóa tập huấn cho lực lượng kiểm lâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh cho đàn voi và giám sát đa dạng sinh học như: Triển khai áp dụng công cụ quản lý hoạt động tuần tra rừng, được Tổng cục Lâm nghiệp khuyến khích sử dụng; tập huấn kỹ năng điều tra thú lớn, kỹ năng bẫy ảnh tự động để ghi nhận sự hiện diện của các loài thú rừng. Thứ ba, hỗ trợ các hoạt động tăng cường mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới với Campuchia, thông qua các đợt trao đổi đoàn giữa hai phía. Thứ tư, điều tra xác định mật độ quần thể voi hoang dã và các hành lang di chuyển theo mùa của chúng để có các biện pháp bảo tồn hiệu quả. Thứ năm, nghiên cứu khoa học, áp dụng các biện pháp nhằm chủ động quản lý xung đột giữa voi và người đảm bảo an toàn cho cả người và voi”.

Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết: “Vườn Yok Đôn đang chuẩn bị triển khai chương trình kiểm, đếm voi trong rừng, bằng cách lấy phân voi thử mẫu ADN. Tất cả các trạm kiểm lâm của vườn đã trang bị máy định vị vệ tinh giám sát tuần tra cho cán bộ, nhân viên. Nghĩa là mỗi khi tổ đội nào đi tuần đã có máy định vị “chấm dấu” đường đi. Hàng tuần giao ban toàn vườn, chúng tôi chiếu lên màn hình to cho mọi người biết. Trạm nào đi tuần ở đâu; vùng rừng nào kiểm lâm chưa đi tới, được thể hiện rõ 100%. Nếu lực lượng bảo vệ lơ là, thú rừng sẽ bị săn bắn. Đặc biệt, các loài thú quý hiếm phải được bảo vệ nghiêm ngặt”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-ve-dong-vat-quy-hiem-dang-ben-bo-tuyet-chung/