Bảo vệ động vật hoang dã: Xử lý nghiêm vi phạm để răn đe

Liên tiếp những ngày gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện, bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), quý hiếm. Điều này cho thấy, hoạt động này đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt hơn từ các lực lượng chức năng.

Gia tăng vi phạm

Tối 16/4, nhận được nguồn tin có trường hợp nghi vận chuyển nhiều cá thể cầy không rõ nguồn gốc bằng xe ô tô di chuyển từ Lạng Sơn về, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Công an TP Bắc Giang tổ chức lực lượng chốt chặn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn chạy qua địa bàn xã Đồng Sơn. Đến khoảng 22 giờ 10 phút cùng ngày, tổ công tác phát hiện, ra hiệu lệnh dừng ô tô tải BKS 23C-061.32 kiểm tra, phát hiện trên xe có 100 cá thể cầy vòi mốc, tổng trọng lượng 315,8 kg.

Cá thể giải khổng lồ được lực lượng chức năng tỉnh giải cứu ngày 5/4.

Cá thể giải khổng lồ được lực lượng chức năng tỉnh giải cứu ngày 5/4.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ liên quan đến số cá thể cầy trên, đồng thời khai nhận vận chuyển từ Lạng Sơn đi Hà Giang tiêu thụ. “Khi lực lượng kiểm tra, mỗi cá thể cầy được nhốt trong một lồng sắt riêng. Đây là động vật thuộc nhóm IIB, nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Để chăm sóc tốt hơn cho những cá thể này, chúng tôi tạm bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian xác minh làm rõ”, một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường cho biết.

Mặc dù Bắc Giang không phải là địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật rừng quý hiếm, nguy cấp song những diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy vi phạm đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2020, lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, lập hồ sơ xử lý 4 vụ vi phạm về động vật rừng thì chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ việc được phát hiện bắt giữ.

Đáng chú ý, các vụ việc đều có mức độ vi phạm lớn. Điển hình, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 5/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường phối hợp với Công an huyện Lạng Giang kiểm tra, phát hiện Đinh Văn Hiệu (SN 1985) trú tại xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang chuẩn bị bàn giao một cá thể giải khổng lồ, trọng lượng 22 kg cho khách tại khu đất trống thuộc địa bàn xã Hương Sơn (Lạng Giang). Đây là động vật thuộc nhóm IB, động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.

Hay như hồi đầu năm, lực lượng chức năng huyện Lục Nam kiểm tra, phát hiện Nguyễn Ngọc Anh đang nuôi nhốt 3 cá thể động vật (cu li lớn, khỉ đuôi lợn và sóc bụng đỏ) tại nhà riêng. Bước đầu, Nguyễn Ngọc Anh khai bắt số động vật trên tại khu rừng gần nhà rồi mang về nuôi.

Tăng cường kiểm soát

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 105 cơ sở chăn nuôi động vật rừng, trong đó có 53 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (gấu rừng, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, cầy vòi mốc, cầy vòi hương…); còn lại là động vật rừng thông thường. Để bảo vệ ĐVHD, cùng với tăng cường thanh tra các cơ sở được phép nuôi nhốt, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm các huyện, TP tổ chức ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp đối với 183 cơ sở nuôi nhốt, nhà hàng.

Nếu như năm 2020, lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, lập hồ sơ xử lý 4 vụ vi phạm về động vật rừng thì chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ việc được phát hiện bắt giữ. Đáng chú ý là các vụ việc đều có mức độ vi phạm lớn.

Với các vụ vi phạm bị phát hiện, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý. Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Anh (về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (cu li lớn). Trước đó, năm 2020, một trường hợp khác ở huyện Lục Nam cũng bị xử phạt 8 tháng tù (hưởng án treo) về hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD.

Mặc dù ngành chức năng tích cực vào cuộc, các trường hợp vi phạm cũng bị xử lý song qua đánh giá, tình trạng tàng trữ, kinh doanh động vật rừng, sản phẩm thuộc động vật rừng thuộc danh mục nguy, cấp quý hiếm trái quy định vẫn xảy ra. Tại một số địa phương, vì lợi nhuận kinh tế, một số nhà hàng, quán ăn vẫn còn tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh để chế biến món ăn từ ĐVHD trái phép. Từ đó, trở thành đầu mối tiêu thụ cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép. Trong khi đó, cơ quan chức năng rất khó để phân biệt đâu là ĐVHD nuôi hợp pháp, đâu là loài nuôi trái phép.

Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn để sớm phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước. Với các vụ việc lớn, phức tạp, chúng tôi đề nghị lực lượng công an vào cuộc điều tra, khởi tố các đối tượng để răn đe. Tuy nhiên, để bảo vệ ĐVHD người dân cần nêu cao trách nhiệm, nói không với thịt ĐVHD và chủ động tố giác các trường hợp vi phạm”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/357543/bao-ve-dong-vat-hoang-da-xu-ly-nghiem-vi-pham-de-ran-de.html