Bảo vệ di sản cần cụ thể và quyết liệt

Những công trình kiến trúc xưa cũ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị và tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố. Hơn thế nữa, những công trình đó còn gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển lịch sử. Thế nhưng, áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, những di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với tình trạng đe dọa bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Trước tình hình này, các nhà văn hóa, khoa học đã nhiều lần ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm giải pháp.

Nhiều di sản hiện mới chỉ được nhìn nhận về giá trị kiến trúc mà chưa được để tâm về góc độ văn hóa, lịch sử, tác động định hình đô thị. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều nhà đầu tư coi di sản chỉ là bất động sản, vô tư phá các công trình kiến trúc chỉ để phát triển dự án bất động sản, xóa đi dấu tích, văn hóa, bản sắc của đô thị nghìn năm lịch sử quý giá. "Một số nhà đầu tư cho rằng phá những ngôi nhà cổ để xây công trình mới sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn. Họ không hiểu và không biết khai thác di sản rồi tự đánh vào doanh thu của mình", PGS.TS. KTS Trần Văn Khải chia sẻ tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” ngày 10/6 vừa qua.

Làm thế nào để các di sản vừa nâng cao chất lượng đời sống xã hội, kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, vừa là động lực phát triển kinh tế bền vững? Làm thế nào để chắt lọc các tinh hoa di sản kiến trúc trong các công trình mới, mang tính biểu tượng của tương lai, kế thừa và tiếp nối các công trình hiện tại? đó là một câu hỏi khó mà xã hội vẫn luôn quan tâm và dõi theo những nhà văn hóa, kinh tế để chờ đợi một giải pháp hiệu quả.

Nhiều công trình kiến trúc phố cổ Hà Nội đã trở thành di sản (ảnh: Bảo Thoa)

Nhiều công trình kiến trúc phố cổ Hà Nội đã trở thành di sản (ảnh: Bảo Thoa)

Khi đụng đến vấn đề bảo tồn và phát triển bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nhưng thường là bảo tồn luôn thiệt thòi. Di sản kiến trúc không chỉ là tòa nhà mà còn là cầu, tên đường, công viên, từng viên đá lề đường…mà còn là ký ức tập thể, ký ức cá nhân từ xưa đến nay. Nhiều công trình được coi là di sản đã bị bỏ đi, thay mới, tu bổ, tôn tạo nhưng mất đi nguyên bản. Các di sản kiến trúc không chỉ tạo ra lợi ích về văn hóa, tinh thần cho xã hội mà còn cả lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động du lịch. Di sản kiến trúc ngoài những giá trị kinh tế, văn hóa, nghệ thuật còn mang trong mình ký ức của đô thị, là bản sắc của đô thị, phá di sản chính là phá bỏ bản sắc. Không tôn trọng quá khứ thì không thể nhìn nhận, đánh giá lịch sử khách quan.

Bảo tồn và khai thác bản sắc cảnh quan kiến trúc trong quy hoạch phát triển đô thị đang là vấn đề rất được quan tâm. Hiện nay, công tác bảo tồn các công trình có giá trị, quy hoạch không gian mang yếu tố bản sắc đang tồn tại khoảng trống rất lớn, chưa có hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh, đặt ra sự cần thiết phải có các giải pháp đổi mới và hoàn thiện đáp ứng các nhu cầu phát triển thực tiễn tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

TS.KTS. Trần Minh Tùng cho biết, không gian tự nhiên mà Việt Nam hiện nay sở hữu một lượng rất lớn những giá trị di sản. Đó là kết quả của quá trình chuyển hóa, tiếp nối theo dòng chảy lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm qua. Trong số này có rất nhiều công trình tuy mới được xây dựng nhưng rất có giá trị với đô thị và cộng đồng. Trong quá trình đô thị hóa sẽ hình thành các “di sản mới”. Các công trình loại này là một thành tố di sản kiến trúc đô thị, cần được xem xét và nhấn mạnh với cách ứng xử tôn trọng bài bản ngay từ công tác quy hoạch đô thị đến thực thi quản lý đô thị, hạn chế sự đứt gãy trong lịch sử phát triển đô thị. Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, hợp lý và đảm bảo tính liên tục của phát triển đô thị.

Khái niệm Di sản đô thị – “Urban heritage” lần đầu tiên được đề cập bởi kiến trúc sư người Ý Gustato Giovannoni cho thấy sự chuyển hướng chú ý từ công trình kiến trúc lịch sử có giá trị riêng biệt sang xem xét nó trong mối quan hệ với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành của đô thị.

Lý thuyết này đã khiến cho công tác bảo tồn di sản xem xét đến các yếu tố bối cảnh không chỉ bảo tồn công trình mà còn quan tâm đến không gian “sống” của đô thị, bao gồm không gian cảnh quan, cấu trúc đô thị, không gian văn hóa – kinh tế – xã hội, nhằm mục đích tránh kết quả bảo tồn trở thành “bảo tàng hóa”.

Có rất nhiều tư tưởng khác nhau về di sản kiến trúc đô thị nhưng có chung cách thức nhận diện hệ giá trị. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế khuyến cáo rằng cách lựa chọn, bảo tồn phải phụ thuộc vào văn hóa ứng xử của từng dân tộc từng quốc gia. Những yếu tố giúp chúng ta nhận thức, bảo vệ hay đưa ra quan điểm phát triển đô thị, bất kể quá trình phát triển đô thị diễn ra như thế nào, mô hình ra sao, thứ nhất là ý thức – hệ thống chính trị, thể chế – cơ cấu quốc gia, tiếp theo là nền kinh tế và nhận thức cộng đồng đối với tiềm năng di sản đó. Trong quá trình chuyển tiếp liên tục cấu trúc không gian đô thị, chúng ta nên giữ lại những nét đặc trưng của nó.

Hiện nay, việc bảo vệ di sản đều là tự phát. Trong quá trình đó đều chỉ là tiếng nói của các kiến trúc sư có tâm huyết, tuy nhiên lại không thể làm việc được với chính quyền, chủ đầu tư. Kiến trúc sư kiến nghị trong quá trình lập quy hoạch cần phải có hạng mục đánh giá các công trình di sản về kiến trúc, không gian; phải có sự kết nối giữa chính quyền với người dân, với các nhà chuyên môn để có tiếng nói chung trong công tác bảo tồn di sản. Luật Di sản văn hóa mới chỉ đang đề cập đến đối tượng rất hẹp. Luật cần phải tạo ra hành lang pháp lý để những người hành nghề kiến trúc có thể áp dụng và có cách nhìn đúng đắn.

Khi nhận diện bản sắc cảnh quan kiến trúc, chúng ta không thể nhìn nhận cảnh quan kiến trúc trong nội một công trình mà phải nhìn nhận rộng hơn trong một khu vực, vùng lãnh thổ, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Là người có nhiều năm kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền kiến trúc trên khắp thế giới, kiến trúc sư Aldo Zoli Lo Prinzi (Italia) khẳng định kiến trúc cổ điển có thể trường tồn trong các đô thị hiện đại và mang theo những giá trị rất lớn. Kiến trúc cổ điển được kết tinh qua các thời kỳ và vẫn đang tiếp tục được truyền bá khắp nơi trên thế giới.

Điển hình như ở Pháp có Khải hoàn môn; ở Anh có Bảo tàng Anh; tại Mỹ, nhiều công trình cũng mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển từ cách thức cột, mái vòm, sảnh tiền… như tòa nhà Quốc hội Capitol, Đài tưởng niệm Jefferson (Washington D.C), Đại học Virginia (bang Virginia), Caesars Palace (Las Vegas, bang Nevada)…Những công trình này cũng đang đóng góp rất lớn những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như kinh tế cho cả địa phương và nhân loại”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chung-tay-giu-gin-di-san-kien-truc-do-thi-bao-ve-di-san-can-cu-the-va-quyet-liet-ky-2-92556.html