Bảo vệ đất trồng lúa là góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Việc bảo vệ đất trồng lúa là vấn đề rất lớn, có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Vì thế, đất trồng lúa phải được quản lý chặt chẽ và đầu tư cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng. Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN và PTNT) về vấn đề này.

- Trước hết, xin ông cho biết thực trạng sản xuất lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị, ý nghĩa của sản xuất lúa đối với việc bảo đảm an ninh lương thực?

- Trước hết, xin ông cho biết thực trạng sản xuất lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị, ý nghĩa của sản xuất lúa đối với việc bảo đảm an ninh lương thực?

- Những năm gần đây, các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội thường xuyên duy trì diện tích gieo trồng lúa 180.000ha/năm; hai vụ canh tác chính là vụ xuân và vụ mùa; sản lượng thóc đạt 1 triệu tấn/năm. Vụ xuân 2020 vừa qua gieo trồng 86.886ha; năng suất 60,02 tạ/ha, cao hơn 1,25 tạ/ha so với vụ xuân năm 2019 và cao hơn trung bình nhiều năm; sản lượng đạt 521.515 tấn. Vụ mùa 2020 gieo trồng trên 78.330ha, năng suất gần 58 tạ/ha, cao hơn 2,5 - 3 tạ so với vụ mùa năm 2019, sản lượng đạt 454.314 tấn.

Về giá trị, những năm gần đây, Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa, dùng các giống chất lượng cao như BT7, HT1, HDT10, TBR 225, J01, J02, nếp 87, nếp 97, nếp 9603..., phấn đấu hết năm 2020 đạt 60% cơ cấu giống lúa chất lượng cao. Thực tế cho thấy: Cấy giống lúa J02 cho năng suất đạt 6,2 tấn/ha/vụ; giá bán 10.000 đồng - 11.000 đồng/kg, giá trị ước đạt 62 - 68,2 triệu đồng/ha/vụ, có thể nhân rộng.

Tại Hà Nội, lực lượng lao động nông thôn chiếm 40,2% lao động toàn thành phố. Như vậy, sản xuất lúa gạo có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường...

- Trong nhiều năm qua, để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, một phần rất lớn đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang mục đích khác. Với Hà Nội, trong 20 năm qua, việc này diễn biến như thế nào và hiệu quả quản lý đất trồng lúa ra sao?

- Trong 20 năm qua, nhất là từ năm 2008 khi thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng. Năm 2008, diện tích lúa là 206.643ha, đến năm 2019 giảm xuống còn 180.000ha. Tổng sản lượng lúa từ 1,177 triệu tấn (năm 2008) giảm xuống còn khoảng 1 triệu tấn (năm 2019) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại tăng, từ 7.383 tỷ đồng (2008) lên 36.444 tỷ đồng (2019).

Như vậy, tuy diện tích canh tác lúa giảm trên 10% nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại tăng gấp khoảng 5 lần nhờ chuyển đổi cơ cấu giống và tăng diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao (từ 52.000ha năm 2013 lên 89.000ha năm 2019), đồng thời chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Từ năm 2017-2020, các huyện, thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 7.700ha.

- Diện tích đất trồng lúa đã bị thu hẹp và những năm tới đây có thể còn tiếp tục chuyển đổi, trong khi dân số sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, phải đặt ra giới hạn gì để bảo vệ đất trồng lúa, thực hiện Nghị định số 42 ngày 11-5-2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa?

- Cùng với chiến lược về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ đã có nhiều quy định về bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phân bổ và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại thành phố Hà Nội, trong đó xác định đất trồng lúa đến năm 2020 duy trì khoảng 95.000ha (phần lớn là đất chuyên trồng lúa nước - khoảng 92.000ha). Thực tế, các huyện, thị xã đang duy trì diện tích đất trồng lúa khoảng 97.752ha.

Thành phố Hà Nội xác định quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó có đất lúa. Các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thông qua Hội đồng nhân dân; riêng các dự án chuyển đổi mục đích có sử dụng diện tích đất trên 10ha thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4970/QĐ-UBND ngày 02-10-2015 về “Quy định tạm thời mức nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ” và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 19-5-2017 về việc tổ chức thu gom, quản lý, sử dụng có hiệu quả đất canh tác khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng...

- Trong quá trình phát triển đất nước, có thể có những khu vực dân cư cơ bản không còn đất nông nghiệp và nhiều lao động nông thôn sẽ trở thành lao động tự do. Chúng ta sẽ quản lý đất lúa như thế nào để không làm ảnh hưởng đến an sinh, an toàn xã hội?

- Để phù hợp với xu thế phát triển xã hội, quan điểm về phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn chặt với định hướng đô thị hóa, tái cơ cấu và phát triển kinh tế ngoại thành... Trong quá trình đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động cho phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn. Để định hướng cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; xác định cụ thể và quản lý chặt chẽ các vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung; tích tụ ruộng đất; ứng dụng khoa học, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất nông nghiệp, thu nhập của nông dân để thu hút nông dân gắn bó với nông nghiệp. Đồng thời, chúng ta tăng cường đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho nông dân phù hợp với yêu cầu sản xuất; hướng dẫn nông dân vừa sản xuất vừa tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Liên quan mật thiết đến vấn đề này là Quyết định số 4970/QĐ-UBND, ngày 2-10-2015 của UBND thành phố Hà Nội “Quy định tạm thời mức nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ”. Vậy, theo ông, những hành động thực tế đã, đang và sẽ làm để thực hiện quyết định này là gì?

- Quyết định số 4970/QĐ-UBND đã được ban hành và triển khai thực hiện từ năm 2015 trên địa bàn Thành phố, do cơ quan tài chính tổ chức thu và nộp vào ngân sách theo quy định. Phần kinh phí này đã, đang và sẽ được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 và Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11-7-2019 của Chính phủ, thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp mà UBND thành phố ban hành và các nghiệp vụ, kế hoạch về phát triển nông nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Liên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/983643/bao-ve-dat-trong-lua-la-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi