Bảo vệ chủ quyền không nhân nhượng nhưng phải có sách lược phù hợp

Tình hình phức tạp tại biển Đông đe dọa an ninh, chủ quyền thiêng liêng của đất nước là vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội đề cập tới tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay, 31/10.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), năm 2019, trong bối cảnh đất nước và quốc tế nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ vững chỉ đạo, điều hành kinh tế đạt trên 6,8%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và dự trữ ngoại hối tốt.

Đặc biệt, trước diễn biến bất ổn từ cạnh tranh giữa các nước lớn và tình hình biển Đông đe dọa an ninh nghiêm trọng nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương với các nước và Liên minh châu Âu, tạo thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh: Trong nước, tuy có nhiều bức xúc trước chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm nghiêm trọng, song cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng, đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam luôn kiên định, nhất quán chủ trương: “Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng ta không bao giờ nhân nhượng!”.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: Thời gian qua, công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại của Việt Nam được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc; đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.

Vừa qua, trong dư luận có những người dân hiến kế cách này cách khác. Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời cũng phải kiên trì, hết sức đoàn kết, kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông.

“Chúng ta kiên quyết, kiên trì theo tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến. Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn, như Thủ tướng đã nói, những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng, nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp”, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Theo đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

“Chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh thực địa; phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước và các giải pháp kinh tế, phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền”, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề liên quan tới tình hình biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn bày tỏ: Các báo cáo chính thức và phát biểu trên nghị trường liên quan đến vấn đề biển Đông cần nêu rõ "hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định theo các luật pháp quốc tế, là ai?".

Hôm nay, 31/10, Quốc hội tiếp tục ngày thảo luận thứ 2 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Trong phiên thảo luận buổi sáng nay đã có 24 đại biểu phát biểu. Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 73 đại biểu phát biểu. Hiện nay còn 39 đại biểu chờ phát biểu.

Ngày mai (1/11), buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bao-ve-chu-quyen-khong-nhan-nhuong-nhung-phai-co-sach-luoc-phu-hop-114391.html