Bảo vệ 'chiến sỹ áo trắng' trước làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19

Trong hơn 200 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận trong giai đoạn mới của dịch, đã có 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 sinh viên y khoa, 2 bác sỹ và 10 điều dưỡng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Từ ngày 25/7/2020 đến nay Việt Nam ghi nhận thêm 255 ca nhiễm COVID-19 mới. Đáng chú ý có 222 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và đã lây lan sang hơn 10 tỉnh thành phố tại Việt Nam.

Trong khoảng hai tuần qua, đã có 14 trường hợp nhiễm COVID-19 là các cán bộ nhân viên y tế, trong đó có 2 sinh viên ngành y.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến: "Bảo vệ chiến sỹ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19," do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức sáng 5/8 tại Hà Nội.

6% ca COVID-19 mới là nhân viên y tế

Tại buổi tọa đàm, thạc sỹ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho hay trong hơn 200 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận trong giai đoạn mới của dịch, đã có 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 sinh viên y khoa, 2 bác sỹ và 10 điều dưỡng - chiếm tỷ lệ 6%.

“Tỷ lệ nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 trong chùm ca bệnh mới tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng Thế giới tại 77 nước là khoảng 7%. Trong lúc này, hơn bao giờ hết, các cán bộ công nhân viên y tế rất cần đến sự kề vai sát cánh, sự bảo vệ và động viên của Chính phủ, của các cơ quan trong ngành y tế và của cả nhân dân Việt Nam,” ông Mục phân tích.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch COVID-19 trong đợt hai mới chỉ có hơn 200 người dương tính nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nhân lực y tế. Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận… gửi các bác sỹ đến hỗ trợ, chi viện. Tuy nhiên, nếu kịch bản có thêm những ca bệnh, việc thiếu hụt nguồn nhân lực y tế sẽ xảy ra.

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng trên thế giới cũng đang phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Sau khi thực hiện giãn cách, các quốc gia đã kiểm soát được lây nhiễm. Hiện nay các quốc gia cũng đang tăng cường các biện pháp hạn chế lây nhiễm.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) tổ chức Lễ ra quân nhân viên y tế Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp chi viện Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Đối với các ca phát hiện tại Đà Nẵng, tiến sỹ Kidong Park cho rằng: “Đó là lời nhắc nhở chúng ta lưu ý số ca bệnh thấp và ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan. Bởi có những ca nhiễm có thể không có biểu hiện ra bên ngoài. Đại dịch chưa thể chấm dứt ngay nên cần cảnh giác và công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn trong các bệnh viện cơ sở y tế phải thực hiện toàn bộ thời gian chứ ko chỉ thời điểm dịch bùng phát.”

Tiến sỹ Kidong Park phân tích một số bệnh viện ở Đà Nẵng là điểm nóng của dịch, qua hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh nhưng có những ca bệnh chưa phát hiện có thể đang ở trong người nhà bệnh nhân hoặc cán bộ y tế. Vì vậy, mọi người cần luôn cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trạng thái đảo chiều không ai mong muốn

Thạc sỹ Mục bày tỏ: “Chúng tôi rất băn khoăn mặc dù biết trước dịch bệnh này sớm muộn chúng ta cũng sẽ có những cán bộ y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình phục vụ. Việc chính các bác sỹ, điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn. Các bác sỹ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.”

Trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe của các bác sỹ, điều dưỡng không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.

Chính vì vậy, ngành y và công đoàn cần lên tiếng bảo vệ những cán bộ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch và cũng là lúc để tôn vinh những cống hiến, đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các điều dưỡng viên.

Các đại biểu tham gia tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Phó giáo sư Phạm Thanh Bình-Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định: "Việc cán bộ y tế phải bị cách ly là điều không ai mong muốn, họ cũng hoang mang, lo lắng. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng nay họ lại không thể cầm súng, không được cống hiến và còn phải sống xa gia đình."

Với vai trò là tổ chức công đoàn, Công đoàn Y tế Việt Nam làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ. Dù không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhưng ngay bên trong khu cách ly, họ vẫn có thể làm việc, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết ngay sau khi nắm được thông tin có hơn 10 cán bộ y tế mắc COVID-19, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 ca mắc COVID-19 nặng.

Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã có văn bản gửi tới 16 đơn vị y tế đang có cán bộ tăng cường tại miền Trung, trong đó công đoàn cần quan tâm đến gia đình những cán bộ đi làm nhiệm vụ, đặc biệt thống kê những gia đình có điều kiện khó khăn, vận động các cán bộ y tế ở lại hỗ trợ trực tiếp gánh vác trách nhiệm chung, tăng cường khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ này./.

Chương trình tọa đàm là nội dung trong chương trình Bảo vệ Blouse trắng do Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp tổ chức. Tọa đàm nhằm động viên, khích lệ, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế để các cán bộ nhân viên y tế phòng tránh lây nhiễm bệnh và đồng thời tuyên truyền tới người bệnh cũng như nhân dân đoàn kết, phối hợp chặt chẽ cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bao-ve-chien-sy-ao-trang-truoc-lan-song-thu-2-cua-dich-covid19/655772.vnp