Bảo vệ các 'tế bào xã hội'

Gia đình vẫn luôn được coi là 'tế bào' của xã hội, cho dù là trong xã hội truyền thống hay hiện đại. Bên cạnh mức sống ngày càng được nâng cao, giá trị văn minh ngày càng được hiển hiện ở mỗi gia đình, nhưng những tác động xấu cũng đang ngày càng 'tấn công' mạnh mẽ vào những 'tế bào' quý giá này khiến chúng ta cần nhìn nhận sâu kỹ hơn.

Lối sống hiện đại cùng những đầy đủ hơn về vật chất nhưng nó cũng làm cho thiết chế gia đình truyền thống bị thay đổi. Ngày nay giới trẻ thích sống theo mô hình hạt nhân (ít thành viên, ít thế hệ hơn) đây cũng là điều khiến người già bị đẩy ra ở riêng, ở trung tâm bảo trợ xã hội và họ bị cô đơn hơn trong đời sống có phần đầy đủ hơn về vật chất. Cùng với đó, trẻ em ở không ít gia đình một con, ít con cũng cô đơn hơn và dễ bị lối sống cá nhân, ích kỷ hơn hình thành trong tính cách. Công nghệ mặc dù làm cho đời sống con người ngày càng phát triển vượt bậc nhưng mặt trái của nó cũng mang những hệ lụy với nhiều gia đình. Giờ đây, trước những thiết bị nghe nhìn di động ngày càng phong phú, các thành viên trong mỗi gia đình như ít giao tiếp trực tiếp với nhau hơn, ít hiểu nhau, quan tâm đến nhau hơn làm cho chiều sâu tình cảm bị bó hẹp lại. Ở chiều cạnh khác, cuộc sống bận rộn của người dân đô thị ngày nay cũng tác động đến hoạt động chăm sóc gia đình, con cái trong khi ở những khu vực đời sống còn khó khăn thì trẻ em lại chưa được chăm sóc một cách đầy đủ an toàn. Trước những xuống cấp của không ít khía cạnh văn hóa đời sống như: Bạo lực trong nhà trường và gia đình, tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em... thì sự thiếu quan tâm đến nhau trong gia đình như kẽ hở nguy hại mà trẻ em là những người bị tổn thương nhiều nhất.

Nhìn thẳng thực tế, trước nhiều tác động từ những mặt trái của xã hội đến gia đình, phần nhiều chúng ta còn chưa nhìn nhận đúng mức về những tác động xấu này. Để hạn chế những mặt trái tác động, đầu tiên là sự chủ động bảo vệ “tế bào” tổ ấm của mỗi cá nhân, đề cao tình yêu thương, kết hợp những giá trị gia đình truyền thống và hiện đại. Ngược lại, gia đình cũng là một đối tượng điều chỉnh hệ thống pháp luật, thiết chế xã hội, tuy nhiên, những quy định pháp luật, thiết chế còn tản mát và chưa thực sự mạnh mẽ để bảo đảm an toàn cho những “tế bào” xã hội. Còn đó chuyện nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, phụ nữ mà nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhiều phụ nữ vẫn bị buôn bán, nhiều vụ băng hoại về đạo đức trong gia đình còn diễn ra... Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta, cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan cần nhìn nhận sâu kỹ hơn về những tác động mặt trái đến mỗi gia đình hiện nay, để từ đó hoàn thiện các quy định pháp luật, thiết chế về gia đình, xã hội để bảo vệ tốt hơn các “tế bào” quý giá này, khi mỗi “tế bào” khỏe mạnh, hạnh phúc chính là toàn “cơ thể” xã hội hạnh phúc.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/bao-ve-cac-te-bao-xa-hoi-107146-107146.html