Bảo vệ bền vững nguồn nước dưới đất

Hiện nay, yêu cầu quản lý tài nguyên nước (TNN) bền vững ở Việt Nam ngày càng cấp bách do nước ta mới chỉ chủ động gần 30% nguồn nước, gần 70% lượng nước phụ thuộc bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất (NDÐ) thời gian qua chưa hiệu quả khiến nguồn nước liên tục bị suy giảm.

Người dân khoan giếng lấy nước ngầm để sinh hoạt tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản (Bình Phước). Ảnh: NGỌC BÍCH

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia được coi là thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Việt Nam có khoảng 3.370 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Như vậy, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thiếu nước trong khu vực và trên thế giới. Ðáng chú ý, trong số 80% số dân nông thôn, chỉ có khoảng 60% số hộ được sử dụng nước sạch. Nước sử dụng cho sinh hoạt bao gồm nước mặt (chiếm 70%) và NDÐ (chiếm 30%), nhưng nguồn NDÐ và nước mặt ở nước ta phân bố không đồng đều và phụ thuộc vào lượng mưa hằng tháng, cho nên phần lớn khu vực miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên thiếu nước, nhất là vào mùa khô. Tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã gây sức ép không nhỏ đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Ðiều tra TNN quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Triệu Ðức Huy cho biết: Việc khai thác, sử dụng, quản lý TNN dưới đất như thế nào cho hiệu quả và bền vững là hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Theo kết quả điều tra do Bộ TN và MT thực hiện, tổng trữ lượng tiềm năng nguồn NDÐ của Việt Nam vào khoảng 18,23 triệu m3/ngày (khoảng 66,24 tỷ m3/năm); tổng trữ lượng có thể khai thác trên toàn quốc khoảng 45,59 triệu m3/ngày (khoảng 16,66 tỷ m3/năm). Hiện nay, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam khai thác nguồn NDÐ khoảng 10,39 triệu m3/ngày (khoảng 3,8 tỷ m3/năm). Tuy nhiên, nếu so sánh giữa tổng trữ lượng nước, tổng trữ lượng nước có thể khai thác và khối lượng nguồn NDÐ khai thác trong một năm thì nguồn NDÐ ở nước ta vẫn nằm trong khung an toàn. Nhưng thực tế những năm gần đây, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng khai thác vượt quá trữ lượng của một số tầng chứa nước gây nên hạ thấp mực nước. Ðây được xem như một trong những nguyên nhân gây sụt lún mặt đất. Thí dụ, tại khu vực bán đảo Cà Mau, hiện đang có tốc độ lún trung bình khoảng từ
2 cm đến 4 cm/năm, tình trạng này tiếp tục gia tăng theo thời gian. Nhiều địa phương chưa kiểm soát, giám sát được các hoạt động khai thác, sử dụng NDÐ, nhất là hiện có hàng trăm nghìn giếng khoan bị bỏ hoang không còn khai thác, nhưng không được tráng lấp, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền ô nhiễm, nhiễm mặn giữa các tầng nước. Việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước còn rất hạn chế… Những chất thải đó theo thời gian sẽ ngấm vào nguồn nước, tích tụ dần làm ô nhiễm nguồn NDÐ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sức khỏe người dân.

Theo Thứ trưởng TN và MT Trần Quý Kiên, do việc khai thác, sử dụng TNN chưa bền vững ở các quốc gia thượng nguồn, cũng như tại nước ta, khiến một số con sông nhiều khu vực nguồn NDÐ bị ô nhiễm, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của các mục đích sử dụng, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Trong khi đó, nguồn nước phát sinh từ ngoài lãnh thổ đang có xu hướng giảm do các quốc gia thượng nguồn xây dựng các công trình thủy điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước họ… Ðây được coi là những vấn đề cấp bách trong quản lý và sử dụng bền vững TNN ở Việt Nam hiện nay. Ðể thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững TNN nói chung và bảo vệ nguồn NDÐ nói riêng, trong những năm tới, Bộ TN và MT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật, chiến lược về TNN; chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch TNN của các tỉnh, thành phố; tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng TNN dưới đất. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và các nguồn lực quốc tế trong công tác điều tra, đánh giá và quản lý TNN; tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước mặt và nguồn NDÐ…

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2018, với chủ đề “Nước với Thiên nhiên”, Bộ TN và MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo Sở TN và MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực như: chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ. Tổ chức các khóa tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm tăng cường năng lực thực hiện chức năng giám sát, phản biện và tham vấn cộng đồng liên quan đến lĩnh vực quản lý TNN. Phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến của cá nhân và cộng đồng có đóng góp hiệu quả trong việc sử dụng bền vững, hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này.

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35824502-bao-ve-ben-vung-nguon-nuoc-duoi-dat.html