Bảo vệ an toàn hệ thống tuyến ống dẫn khí: Truyền thông giữ vai trò quan trọng

Thời gian qua, các DN khai thác, sản xuất khí thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ các tuyến ống dẫn khí lắp đặt dưới biển và ngầm trên bờ. Tuy nhiên, vẫn còn những hoạt động xâm phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí (HLATĐÔDK). Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn các công trình khí, có thể gây ra hậu quả khôn lường. Vì vậy, các DN sản xuất kinh doanh khí, các cơ quan chức năng hiện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông.

VI PHẠM TRÊN BỜ, DƯỚI BIỂN

Trong hơn 20 năm qua, nguồn khí thiên nhiên từ các mỏ khai thác ngoài khơi vùng biển BR-VT được thu gom, nén với áp suất cao, dẫn về trạm tiếp bờ và đưa vào Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (TT.Long Hải, huyện Long Điền). Sau đó, khí khô, khí hóa lỏng (đầu ra) tại nhà máy được vận chuyển bằng các đường ống tới TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ để phân phối cho hộ tiêu thụ là các DN sản xuất công nghiệp. Việc khai thác, vận chuyển khí đã tạo thành hệ thống đường ống dẫn khí dài hàng trăm km từ dưới biển vào bờ, sau đó được thiết kế ngầm dưới đất để đưa khí đến hộ tiêu thụ. Do khí là hỗn hợp dễ gây cháy, nổ và để lại hậu quả nghiêm trọng, nên thời gian qua, vấn đề bảo vệ an ninh, an toàn các công trình khí được pháp luật quy định rất nghiêm ngặt.

Ngày 2-11, thực hiện chuyến khảo sát dọc tuyến ống ngầm dẫn khí cao áp đi qua địa bàn các xã Phước Hưng, An Ngãi (huyện Long Điền), phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa), chúng tôi nhận thấy, tuyến ống chủ yếu đi qua đất trống, đồng ruộng, chỉ một số đoạn đi qua khu vực dân cư. Dọc theo tuyến ống dẫn khí cao áp đều có các biển cảnh báo về sự nguy hiểm và quy định các biện pháp bảo vệ HLATĐÔDK, như: Không tiếp địa thiết bị điện, không đào bới lấy đất cát, không trồng cây lâu năm, không tạo nguồn sinh lửa, không để vật liệu dễ cháy nổ, không lưu thông xe tải nặng trên tuyến ống, không xây cất nhà cửa, kho chứa, không đổ rác, tụ tập buôn bán, lấn chiếm HLATĐÔDK.

Người dân vẫn đổ rác dưới biển cấm thuộc hành lang an toàn đường ống dẫn khí.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, vẫn có tình trạng đổ rác, đốt rác trong phạm vi HLATĐÔDK. Đơn cử, tại một đoạn tuyến ống đi qua xã An Ngãi, mặc dù đã có biển “cấm đổ rác”, nhưng rác vẫn được đổ thành từng đống ngay dưới biển cấm. Khi được hỏi về việc đổ rác bừa bãi trên tuyến ống, một người dân sống gần đó trả lời tỉnh rụi: “Ống dẫn khí nằm dưới đất, còn chúng tôi chỉ đổ rác, đốt rác phía trên nên chắc không ảnh hưởng gì!”.

Vi phạm nghiêm trọng hơn đối với HLATĐÔDK là đào bới đất sát ống dẫn khí. Cụ thể, khoảng 6 giờ 45 phút ngày 31-10 vừa qua, tổ tuần tra tuyến ống dẫn khí phát hiện tài xế Nguyễn Văn T. (trú tại Bình Dương) đang điều khiển xe cuốc đào đất để lắp đặt cáp quang trong hành lang an toàn tuyến ống dẫn khí tại vị trí KP10+000 (BH) thuộc xã An Ngãi, do Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn quản lý, vận hành. Hiện trường cho thấy, việc đào bới này chỉ còn cách ống dẫn khí 0,24m nên cực kỳ nguy hiểm, vì vậy, tổ tuần tra đã yêu cầu tài xế ngưng thi công, đồng thời phối hợp với Công an huyện Long Điền lập biên bản vi phạm, xử lý theo quy định.

Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn và Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ tổ chức buổi “Truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn và PCCC đường ống dẫn khí trên bờ năm 2018” cho người dân xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ.

Tình trạng vi phạm HLATĐÔDK dưới biển cũng diễn ra phổ biến. Gần đây, chỉ trong 2 ngày 2 và 3-10, lực lượng phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn tuần tra dọc hành lang tuyến ống dẫn khí Nam Côn Sơn từ Km 22 đến Km 290 (thuộc vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam) phát hiện 16 vụ việc với 21 tàu cá vi phạm neo đậu, hoạt động đánh bắt hải sản trái phép trong phạm vi HLATĐÔDK. Lực lượng làm nhiệm vụ đã phát tờ rơi in bản đồ, tọa độ các tuyến ống dẫn khí, tuyên truyền Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí” cho chủ tàu, người điều khiển phương tiện và yêu cầu đưa phương tiện vi phạm di chuyển khỏi HLATĐÔDK dưới biển.

Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phát tờ rơi cho các tàu, thuyền đánh bắt hải sản ngoài biển không vi phạm hành lang an toàn tuyến ống dẫn khí.

DUY TRÌ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Ông Nguyễn Quang Khải, Trưởng Phòng An toàn, Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ cho hay, tuyến ống dẫn khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn rất quan trọng, vận chuyển cung cấp khí để sản xuất 13% sản lượng điện, 40% sản lượng đạm và 15% sản lượng LPG (gas) cả nước. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố tại các tuyến ống này sẽ gây ra hậu quả rất lớn về môi trường, kinh tế, an toàn năng lượng quốc gia. Theo quy định, khoảng cách an toàn đường ống dẫn khí trên bờ là 25m, cách tim ống 12,5m mỗi bên, một số vị trí khoảng cách an toàn lên đến 50m; khoảng cách an toàn đường ống trên biển là 4 hải lý, mỗi bên 2 hải lý so với tim ống. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm HLATĐÔDK vẫn còn diễn ra phổ biến. Cụ thể, trên bờ thì người dân đào, bới đất làm đường dân sinh, lắp đặt đường cấp nước, trồng trụ dẫn điện sinh hoạt, trồng cây lâu năm, đổ rác, xe tải nặng đi trên mặt đất có tuyến ống ngầm…; dưới biển thì các tàu thường thả lưới trong phạm vi 2 hải lý, neo tàu vào tuyến ống.

Nhằm phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm HLATĐÔDK, công tác truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Hàng năm, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn đều tổ chức nhiều đợt truyền thông về an ninh, an toàn đường ống dẫn khí và tổ chức cho các hộ dân sống dọc theo tuyến ống, các DN có ống dẫn khí đi qua ký cam kết không vi phạm HLATĐÔDK; thông báo vị trí tọa độ đường ống dưới biển cho DN vận tải biển, ngư dân, chủ phương tiện đánh bắt hải sản nắm rõ để tránh xâm phạm. Bên cạnh đó, 2 công ty còn phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh diễn tập các tình huống, sự cố rò rỉ khí, hóa chất, cháy nổ tại các trạm khí, tuyến ống; hàng tháng, các kíp vận hành công trình khí đều diễn tập PCCC tại chỗ.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn về phòng chống cháy, nổ tại các công ty khí, nhà máy xử lý khí. Bên cạnh đó, phối hợp với các công ty vận chuyển khí, nhà máy xử lý khí tổ chức các buổi truyền thông cho người dân và DN; diễn tập, xử lý tình huống cháy, nổ do rò rỉ, tràn khí, hóa chất... Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến an ninh, an toàn các công trình khí trên địa bàn tỉnh.

Các hệ thống đường ống vận chuyển khí dưới biển và trên đất liền đi qua địa phận tỉnh BR-VT, gồm: Đường ống Bạch Hổ - Long Hải - Dinh Cố dài 116,5km, lưu lượng 6 triệu m3 khí/ngày đêm, vận hành từ năm 1995. Đường ống Rạng Đông - Bạch Hổ dài 46,5km vận chuyển khí đồng hành từ Lô 15.2 về giàn nén khí trung tâm trên biển (CCP). Đường ống Sư Tử Vàng - Rạng Đông dài 43,5km, vận chuyển khí đồng hành thu gom từ Lô 15.1 về CCP. Đường ống Dinh Cố - Bà Rịa dài 7,3km và đường ống Bà Rịa - Phú Mỹ dài 21,5km vận chuyển khí khô từ đầu ra Nhà máy xử lý khí Dinh Cố tới các trạm phân phối khí cho khách hàng tiêu thụ. Đường ống vận chuyển Bupro và Condensate từ Dinh Cố đến kho cảng Thị Vải, được đưa vào sử dụng từ năm 1998. Đường ống Nam Côn Sơn được vận hành từ năm 2003, vận chuyển khí thiên nhiên từ các Lô 06.1, 11.2 và 12W về Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, công suất tối đa của hệ thống này 20 triệu m3/ngày đêm.

Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi trồng cây lâu năm trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền. Phạt tiền từ 300-400 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng các công trình, sử dụng lửa trần, các thiết bị phát nhiệt, phát lửa và các hoạt động khác không được phép theo các quy định hiện hành trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền, gây nguy hại cho công trình dầu khí đó; thả neo trái phép các phương tiện tàu, thuyền trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển.

(Nghị định số 67/2017/NĐ-CP)

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201811/bao-ve-an-toan-he-thong-tuyen-ong-dan-khi-truyen-thong-giu-vai-tro-quan-trong-822082/