Bảo vật quốc gia chưa được bảo vệ nghiêm - Bài 1: Nỗi niềm xứ Nghệ

Trong số 24 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 6 tại Quyết định 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 thì Nghệ An và Ninh Bình có một số bảo vật. Đáng lẽ những bảo vật này phải được gìn giữ cẩn trọng, trân quý thì chúng lại đang phải xếp chung với hàng nghìn cổ vật khác hoặc phải chịu cảnh phơi mưa nắng ngoài trời.

3 bảo vật quốc gia mới được công nhận tại Nghệ An.

3 bảo vật trong Bảo tàng tỉnh Nghệ An được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017 gồm: Hộp đựng xá lị; Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi; Muôi cán tượng voi. Điều đáng nói là cả 3 bảo vật đang được “đứng chung” hàng với hàng nghìn hiện vật khác.

Hộp đựng xá lị được tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) khai quật năm 1985-1986. Đây là hộp đựng xá lị Phật duy nhất tìm thấy ở Việt Nam từ trước đến nay. Theo các nhà khảo cổ học xác định niên đại của hộp đựng xá lị xuất hiện khoảng thế kỷ VII-VIII (nhà Đường). Khi khai quật các nhà khảo cổ tìm được viên gạch có khắc dòng chữ “Trinh Quán lục niên”, tức là viên gạch được làm vào thời Đường, có niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu (năm 632 sau CN).

Hộp đựng xá lị được làm bằng vàng, hình hộp chữ nhật có kích thước dài 8cm, rộng 5 cm, cao 5,5 cm. Ở phần nắp bốn rìa cạnh hơi lõm xuống, giống như rìa mái nhà, trên đỉnh nắp có trang trí hoa cúc tròn có 6 cánh nhỏ; thân hộp xung quanh trang trí hoa văn hoa sen cách điệu. Trong lòng có khoảng 1/3 là than tro, trên bề mặt lớp than tro có hai nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng gà, đó là xá lị.

Hiện vật thứ hai là bảo vật Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi có chiều dài 12,3 cm, rộng 3,5 cm, thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (thị xã Thái Hòa) trong đợt khai quật lần thứ I, năm 1973. Hiện vật này có 2 phần gồm lưỡi và chuôi. Lưỡi dao mỏng, dài 5,5 cm, hình giống hình tam giác. Mũi dao nhọn, hai đầu chắn tay có hình râu bướm. Phần chuôi dao dài 6,8 cm. Đặc biệt phần chuôi có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau. Miệng rắn mở to, có đôi mắt lồi và 2 con rắn đang há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Hiện vật này có niên đại thời văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2500-2000 năm.

Còn với hiện vật Muôi đúc tượng voi có chiều dài 18,5 cm, đường kính miệng 7,8 cm, trọng lượng 200 gram. Hiện vật này được tìm thấy trong mộ vò úp nhau, tại di chỉ khảo cổ học làng Vạc trong đợt khai quật thứ II, năm 1981. Hiện vật này có 2 phần, phần để múc và cán. Phần để múc sâu lòng, có thủng một lỗ đã được người xưa hàn đồng lại. Phần cán muôi dẹt dài 11,5 cm, rộng 4,6 cm. Trên cùng của đầu cán có đúc tượng voi, trên lưng voi và ván có khắc hoa văn gân lá rất đẹp. Hiện vật này có niên đại thời Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm.

Sáng 10/5, được mục sở thị 3 bảo vật quý hiếm này tại Bảo tàng Nghệ An, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về độ tinh xảo cũng như niên đại có một không hai của ba bảo vật quý này. Như đã nói ở trên, đây là những hiện vật gốc độc bản.

Vậy nhưng, từ lúc được công nhận là bảo vật đến nay, 3 hiện vật nói trên vẫn được để lẫn với hàng nghìn hiện vật khác tại Bảo tàng Nghệ An. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Kiếm- Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết: “Ba bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại đây đều là những hiện vật gốc độc bản vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận. Nhưng những hiện vật quý này vẫn chưa được bảo quản, gìn giữ một cách đúng nghĩa. Bởi theo tiêu chuẩn quốc tế thì những báu vật này phải được lưu giữ ở các điều kiện hết sức khắt khe từ ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ và các quy chuẩn khác. Hiện nay, với điều kiện thế này thì chỉ được xem là nơi cất giữ hiện vật chứ không phải là bảo tồn, gìn giữ bảo vật quốc gia được”. Cũng theo ông Kiếm, hiện Bảo tàng Nghệ An đang có đề án về việc chế tác, bảo quản, lưu giữ các hiện vật này, nhất là các bảo vật quốc gia hiện có.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/bao-vat-quoc-gia-chua-duoc-bao-ve-nghiem-bai-1-noi-niem-xu-nghe-tintuc404045