Báo TQ lên án 'thế lực phương Tây' đứng sau biểu tình Hong Kong

Báo chí Trung Quốc cho rằng có sự can thiệp nước ngoài đằng sau cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong hôm 9/6, cáo buộc các nhà hoạt động đối lập 'thông đồng với phương Tây'.

Theo AFP, các nhà tổ chức cuộc biểu tình tuyên bố có hơn 1 triệu người đã ra đường vào ngày 9/6, khiến khu vực trung tâm Hong Kong tê liệt.

Những người biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục, cho rằng nó sẽ làm xói mòn các quyền tự do quý giá trong thành phố. Họ cũng cáo buộc dự luật này có thể khiến những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong bị dẫn độ, đối mặt với hệ thống tư pháp không rõ ràng của Bắc Kinh.

Phiên bản tiếng Trung của tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) đã chỉ trích những người biểu tình hôm 9/6, cuộc tuần hành chính trị lớn nhất kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Những nhà hoạt động tuyên bố hơn 1 triệu người dân Hong Kong đã ra đường để phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, tương đương với tỷ lệ cứ 7 người Hong Kong thì 1 người biểu tình. Ảnh: AP.

Những nhà hoạt động tuyên bố hơn 1 triệu người dân Hong Kong đã ra đường để phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, tương đương với tỷ lệ cứ 7 người Hong Kong thì 1 người biểu tình. Ảnh: AP.

"Rất đáng lưu ý khi một số thế lực nước ngoài đã tăng cường đáng kể sự liên lạc với phe đối lập Hong Kong trong những tháng gần đây", bài xã luận của tờ báo viết và tuyên bố đây là một sự "thông đồng".

Hoàn Cầu Thời báonhắc tới những cuộc gặp giữa thủ lĩnh đối lập Hong Kong và các nhân vật cấp cao của chính quyền Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Tờ China Daily phiên bản tiếng Anh cũng dùng những từ ngữ mang tính giảm nhẹ để mô tả cuộc tuần hành, kêu gọi sự ủng hộ đối với dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Mục xã luận của China Daily tuyên bố đã có 700.000 người lên mạng bày tỏ sự ủng hộ với dự luật dẫn độ này, và cho rằng cuộc tuần hành phản đối chỉ có 240.000 người tham dự. Đây là con số theo thống kê của cảnh sát Hong Kong.

"Không may là, một vài người dân Hong Kong đã bị dắt mũi bởi phe đối lập và những đồng minh nước ngoài của họ để ủng hộ chiến dịch chống lại dẫn độ", tờ báo cáo buộc.

Hình ảnh từ trên cao chụp lại cảnh tượng người biểu tình đông đúc trên các tuyến đường ở trung tâm Hong Kong đã lên trang nhất của các phương tiện truyền thông toàn cầu.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, AFP cho biết chương trình tin tức buổi tối của đài truyền hình nhà nước không nhắc tới cuộc biểu tình, trong khi trang tiếng Anh của Tân Hoa xã khẳng định chính quyền đặc khu đề xuất dự luật để "đáp lại yêu cầu của công chúng".

Không có kết quả nào khi tìm kiếm về sự kiện trên Weibo, mạng xã hội tương đương với Twitter của Trung Quốc, thay vào đó là những kết quả cũ không liên quan.

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Anh đảm bảo Hong Kong tiếp tục có được các quyền tự do ngôn luận và các quyền khác không có ở Trung Quốc đại lục trong thời gian 50 năm.

Các nhà hoạt động và chính trị gia đối lập cho rằng các quyền đó đang bị xói mòn khi Bắc Kinh siết chặt sự kiểm soát với thành phố.

Dự luật này, được thúc đẩy bởi các lãnh đạo thân Bắc Kinh, sẽ cho phép dẫn độ tới bất cứ nơi nào hiện không có hiệp định dẫn độ với Hong Kong, bao gồm cả Trung Quốc đại lục.

Những người ủng hộ dự luật cho biết luật sẽ giúp Hong Kong tránh khỏi việc trở thành nơi ẩn náu của các tội phạm từ Trung Quốc đại lục, và các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ không bị dẫn độ. Trong khi đó, phe phản đối cho rằng Bắc Kinh sẽ dùng dự luật để trừng phạt những nhân vật đối lập.

Sơn Trần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-tq-len-an-the-luc-phuong-tay-dung-sau-bieu-tinh-hong-kong-post955272.html