Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

Việc đưa di sản vào dạy trong trường học là cách phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho di sản. Mặt khác, đối với học sinh, các em sẽ được bổ trợ kiến thức nghệ thuật, xã hội, lịch sử qua đó khiến bài học trở nên sinh động, hấp dẫn và giúp học sinh hứng thu tiếp thu bài tốt hơn.

“Thổi hồn” vào những giờ học

Để giúp cho bộ môn Ngữ văn, Giáo dục công dân thêm sinh động, các giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã chủ động lồng ghép văn hóa, truyền thống vào các tiết học, giờ học ngoại khóa, giúp học sinh hiểu và thêm yêu các giá trị văn hóa dân tộc.

Không chỉ truyền đạt kiến thức dựa trên sự hiểu biết của mình, giáo viên đứng lớp còn sử dụng các nhạc cụ, vật dụng để giúp các em dễ hình dung hơn. Từ đó các em sẽ thấy tiết học được nhẹ nhàng, thoải mái, kiến thức bộ môn này không quá khó như các em tưởng tượng.

Là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, với nhiều dân tộc anh em sinh sống như bao địa phương khác, Khánh Vĩnh mang trong mình một bề dày văn hóa chưa khai thác hết. Vì nhà trường đang lưu giữ nhiều tư liệu văn hóa dân tộc độc đáo, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại.

Song song với việc bảo tồn, nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương, các già làng có uy tín trong buôn làng để tổ chức truyền dạy, nói chuyện với các em học sinh về kĩ thuật đánh cồng chiêng. Có thể nói, đây là phần ngoại khóa tự chọn có đông đảo học sinh tham gia, tạo nên một sân chơi bổ ích, giúp các em gắn kết với nhau hơn.

Chính các em cũng đã được già làng tận tình chỉ dẫn các điệu múa, cách đánh cồng chiêng thường được sử dụng trong các lễ hội truyền thống dân tộc Raglai như: lễ bến nước; lễ bỏ mả; lễ cưới…Và việc truyền dạy cồng chiêng được nhà trường duy trì hàng tháng.

Già làng Cao Thiên ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh cũng tâm đắc chia sẻ: “Tuy tuổi đã già nhưng được nhà trường mời về hướng dẫn các lễ hội truyền thống của người Raglai mà già lấy làm vui sướng vì không còn sợ sau này mất đi bản sắc dân tộc. Cũng như già thấy an lòng khi có nhiều bạn trẻ bắt đầu say mê với phong tục, lễ hội đã có từ hàng trăm năm qua…”

Lan tỏa ý thức bảo tồn văn hóa

Ở một góc độ khác thì học sinh của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Khánh Vĩnh rất có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình và phát huy tốt những giá trị truyền thống. Khi các em trở về buôn làng thì lại làm một tuyên truyền viên rất tích cực trong cộng đồng của mình, để cùng nhau giữ gìn và bảo vệ các giá trị.

Từ những lễ hội ở địa phương như: lễ hội già làng; lễ hội đặt tên cho con…Các em chủ động tham gia, tìm hiểu, rồi từ đó các em lại mang những kiến thức thu nhặt được trong thực tế về lại trường để làm phong phú, sâu sắc hơn các hoạt động cho nhà trường.

Nắm bắt được tâm lý “luôn thích mới lạ”, trường cũng đã tổ chức chương trình ngoại khóa dưới nhiều hình thức tập trung khác nhau như: ngày hội các trò chơi dân gian; ẩm thực dân tộc…Chính cách “học mà chơi, chơi mà học” đã làm cho các em không bị nhàm chán giữa những kiến thức đã biết với những kiến thức chưa biết trước đó.

Từ những thành công đáng ghi nhận trên, nhà trường dự kiến sẽ liên hệ, phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức văn hóa dân gian để thực hiện nhiều chương trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ của riêng người Raglai mà của các dân tộc anh em khác cũng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bao-ton-van-hoa-dan-toc-thieu-so-trong-truong-hoc-3946775-c.html