Bảo tồn và phát triển di tích: Làm sao để tránh xung đột?

Việc bảo tồn văn hóa đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới quan điểm và phương pháp tiếp cận cũng như cách thức ứng xử. Di sản văn hóa được coi là cây cầu vững chắc nối quá khứ - hiện tại - tương lai, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhiều người chỉ chú trọng tới lợi ích trước mắt mà quên đi quá khứ và bỏ qua cây cầu nối vào thế hệ tương lai. Đó là một lý do làm cho cấu trúc đô thị truyền thống của Hà Nội bị biến đổi khá nhiều, co hẹp lại và một số bộ phận có nguy cơ bị xóa sổ.

Nhiều di tích bị vi phạm

Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh rằng: Kinh tế và vật chất chỉ có khả năng duy trì phần sinh học - thể xác, còn văn hóa và di sản văn hóa lại có sứ mệnh cao cả là dung dưỡng và nâng cao tinh thần - phần tâm hồn cho cả nhân loại.

Hà Nội hiện đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố về số lượng các di tích lịch sử, cũng như số lượng các di tích văn hóa là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. Trên nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Di tích lịch sử Gò Đống Đa. Ảnh: BT

Đồng thời, khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, thời gian qua ngành Văn hóa đã cố gắng tối đa thực thi trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị di tích trong đời sống đương đại. Sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử ở Thủ đô tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn những hạn chế, những nỗi lo.

Cụ thể như số lượng di tích trên địa bàn đồ sộ nhưng kết quả nghiên cứu phát triển di tích chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Hà Nội đã cố gắng trong việc huy động các nguồn lực cho bảo tồn di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện Thành phố có 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, đặc biệt có 166 di tích bị vi phạm. Bên cạnh đó nhiều di tích vẫn vắng vẻ, không có nhiều du khách lui tới.

Cần nghiên cứu trước khi lập quy hoạch

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là tình trạng tu bổ di tích không theo chuẩn mực khoa học làm biến dạng di tích, làm mất đi các giá trị nguyên gốc của di tích như trường hợp hạ giải đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.

Vì vậy Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và phân cấp quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu cho rằng, sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển là việc không phải là hiếm. Để chủ động ngừa trước sự xung đột có thể xảy ra, trong quá trình chuẩn bị và triển khai xây dựng các đồ án quy hoạch các ngành có liên quan như xây dựng, giao thông vận tải, điện lực… cần phải chủ động phối hợp với ngành văn hóa nghiên cứu sự phân bổ của các loại các loại hình di tích trong khu vực lập quy hoạch.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng góp ý: Chính quyền thành phố nên thiết lập một danh mục các di sản văn hóa tiêu biểu với tư cách là những biểu tượng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội để có cơ chế đặc thù cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị làm mô hình tham khảo cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hà Nội cần thay đổi nhận thức và tư duy mang tính đột phá trong phương thức bảo tồn một đô thị di sản như Thủ đô Hà Nội. Vấn đề đó chỉ có thể được xử lý thỏa đáng trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và kiến trúc. Quy hoạch đó thể hiện tầm nhìn của chúng ta về bảo tồn và phát triển.

Các nhà khoa học cho rằng, thời gian tới, Hà Nội nên phát huy giá trị các di sản bằng nhiều hình thức, trong đó nên gắn hoạt động của các khu di sản với các lễ hội, các sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước, đặc biệt là các sự kiện hướng tới mốc kỷ niệm 1010 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-ton-va-phat-trien-di-tich-lam-sao-de-tranh-xung-dot-83384.html