Bảo tồn và phát triển cây sâm báo

Vốn là loại dược liệu quý mọc rải rác trên các núi đá thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), từ thời phong kiến, sâm báo được xem là Đại Việt đệ nhất danh sâm, với nhiều công dụng, như: trị ho, sốt nóng, phổi yếu, hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn và đau lưng, suy nhược cơ thể, gầy yếu, những bệnh nhân mới ốm dậy... Những năm qua, UBND huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích và từng bước đưa cây sâm báo trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.

Khu ngâm và đóng chai rượu sâm báo của cơ sở An Tâm (thị trấn Vĩnh Lộc).

Tính đến tháng 6-2020, trên địa bàn huyện có hơn 8 ha trồng cây sâm báo, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Tân và Vĩnh Hùng. Trong đó, có 5 ha trồng tập trung quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất. So với những cây trồng khác, trồng cây sâm báo rất khó, phải lên luống theo hướng dốc, tránh gây ngập úng sau mưa lớn, bảo đảm thoát nước tốt trong mùa mưa và có mật độ trồng phù hợp. Do đó, việc triển khai thực hiện mở rộng diện tích cây sâm báo theo hướng tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất không chỉ khuyến khích, phát huy giá trị của loại cây trồng bản địa mà còn thúc đẩy người dân áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa. Do nhu cầu của thị trường về cây sâm báo lớn nên giá trị kinh tế mang lại khá cao, có thể đạt 50 triệu đồng/sào/năm. Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý, chính quyền, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc còn chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sâm báo. Năm 2018, sản phẩm rượu sâm báo Vĩnh Lộc được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý. Đây là động lực tích cực trong việc định hướng dư luận, tạo uy tín giúp người tiêu dùng có cơ sở nhận biết về sản phẩm mới. Đồng thời, giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ cây sâm báo có thêm cơ hội nâng cao vị thế cạnh tranh, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đỗ Quang Dũng, chủ cơ sở rượu An Tâm, đơn vị đầu tiên trong huyện Vĩnh Lộc tham gia thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây sâm báo, như: sâm báo sấy khô, rượu sâm báo..., cho biết: Từ năm 2016, tôi đã bắt đầu thu mua sâm báo để bào chế ra các vị thuốc và ngâm rượu kinh doanh. Sau thời gian hoạt động, sản phẩm rượu sâm báo đã tạo được uy tín cao, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến, nên gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Từ năm 2019, khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm

(OCOP), sản phẩm rượu sâm báo của cơ sở tham gia và được chứng nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh và việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã... càng được cơ sở chú trọng. Hiện tại, cơ sở sản xuất rượu An Tâm đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000m2, theo hình thức sản xuất bán tự động, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động, với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, cung cấp hạt giống, ký hợp đồng liên kết thu mua sâm báo với khoảng 350 hộ dân các xã Vĩnh Hùng, Minh Tân, Vĩnh Thịnh... và liên kết với các hộ dân huyện Nga Sơn thu mua rượu gạo làm nguyên liệu pha chế. Hằng năm, cơ sở sản xuất rượu An Tâm đã cho ra thị trường 2.000.000 chai rượu sâm báo, doanh thu đạt 2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ người dân về các biện pháp kỹ thuật, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chú trọng tìm đầu ra ổn định cho rượu sâm báo. Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Để bảo tồn và phát triển thương hiệu cây sâm báo, UBND huyện đã hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây sâm báo theo hướng tập trung, quy mô lớn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký nhãn hiệu, mã vạch để sản phẩm từ cây sâm báo có đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm rượu sâm báo Vĩnh Lộc đã được đưa vào trưng bày, tiêu thụ chính tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để cây sâm báo có bước phát triển ổn định, bền vững trên thị trường, UBND huyện đã và đang khuyến khích các đơn vị sản xuất quy mô lớn nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng năng suất, cải thiện chất lượng, mẫu mã; tổ chức nhân giống bảo đảm chất lượng, số lượng phục vụ cho việc phát triển vùng trồng mới; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng cao.

Bài và ảnh: Kim Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mien-tay-thanh-hoa/bao-ton-va-phat-trien-cay-sam-bao/121180.htm