Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bảo tồn, phát triển và khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên từ các hệ sinh thái độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐBSCL.

Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN phát)

Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề là “Phục hồi hệ sinh thái” cho thấy sự cần thiết của việc bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, qua đó gìn giữ bền vững môi trường sống của chính chúng ta.

Là một trong những khu vực sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc thù, song Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đang chịu nhiều tác động tiêu cực của biển đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững.

Do vậy, việc tăng cường bảo tồn, hạn chế sự suy thoái của các hệ sinh thái, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và giảm rủi ro thiên tai đang ngày càng được chú trọng thực hiện.

Bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên

Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng đất châu thổ hình thành do sự bồi tụ liên tục của dòng chảy cùng nguồn phù sa sông Mekong và quá trình biển lùi trong quá khứ.

Theo các chuyên gia, khu vực này có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông cho đến đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, như vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau); Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang); Vườn Quốc gia Tràm Chim ((Đồng Tháp), Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen (Long An), Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang).

Bảo tồn, phát triển và khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên từ các hệ sinh thái độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các địa phương thuộc vùng.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, để tăng cường bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Dự án Điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học, điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc (thành phố Phú Quốc).

Trong đó, dự án xác định rõ phạm vi rà soát, phân vùng Khu Bảo tồn biển Phú Quốc thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc có diện tích trên 40.909ha mặt nước, bao gồm khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển với 3 phân khu là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính và vùng đệm.

Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn như quan tâm nghiên cứu các ứng dụng mới nhằm phục hồi san hô và các nhóm nguồn lợi quan trọng trong các hệ sinh thái (bào ngư, bàn mai, hải sâm cát, ốc đụn, cá ngựa…) góp phần gia tăng quần đàn sinh sản, tăng sinh khối và khả năng bổ sung tự nhiên; tăng sản lượng khai thác bằng phương thức nuôi tự nhiên thân thiện môi trường; đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi hệ sinh thái cũng như tái tạo nguồn lợi duy trì hoạt động nghề cá và tạo sinh kế mới cho cộng đồng ở Khu vực bảo tồn biển Phú Quốc và lân cận.

Tỉnh tiến hành phục hồi hệ sinh thái ở những khu vực suy thoái; tăng cường công tác quan trắc tài nguyên và môi trường đặc biệt đối với rạn san hô và chất lượng môi trường được tiến hành thường xuyên hàng năm nhằm theo dõi sự thay đổi tình trạng môi trường và tài nguyên đa dang sinh học và có giải pháp quản lý thích ứng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, để ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh còn đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển, thực hiện dự án gây bồi tạo bãi trồng cây ngăn mặn, bảo vệ đê biển xã An Thái, huyện Nam Biên và từ Bình Giang đến Bình Sơn (huyện Hòn Đất) với tổng diện tích trồng mới là 85ha rừng.

Từ cuối năm 2017 đến nay, tỉnh đã trồng được trên 540ha rừng đước, rừng mắm, đang thực hiện chăm sóc rừng năm thứ 2, thứ 3.

Cùng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới) là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Theo thông tin từ Vườn quốc gia U Minh Hạ - một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, Vườn có tổng diện tích vùng lõi là 8.527,8ha, vùng đệm là 25.000ha nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ là bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục hồi duy trì phát triển độ che phủ thảm thực vật.

Con đường mòn xuyên qua cánh rừng tràm đưa du khách đến với Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Thời gian qua, nhiều dự án đã được thực hiện tại Vườn như trồng và khôi phục rừng cây gỗ bản địa trên toàn lâm phần; điều tra, xây dựng danh lục và tiêu bản thực vật rừng; xây dựng mô hình dự báo cháy và cân bằng nước để bảo vệ đa dạng sinh học; thực hiện các chương trình theo dõi, giám sát và đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học của rừng…

Theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, để góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật, Ban Quản lý vườn phối hợp với các lực lượng chức năng nhiều lần tổ chức tiếp nhận, tiến hành thả vào khu vực rừng bảo vệ nghiêm ngặt nhiều cá thể động vật quý hiếm, bản địa của rừng U Minh Hạ, như trăn gấm vàng - loài động vật hoang dã có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới hay tê tê - loài động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.

Ý thức và hành động từ mỗi người

Hiểu được sự cần thiết bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên quý, từ đó đảm bảo cho sinh kế bền vững của chính cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương, anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, sống trên vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ, anh và các hộ dân ở đây đều hiểu muốn đảm bảo sinh kế lâu dài cho mình, thu được những sản vật quý từ rừng như mật ong rừng tràm, các loài thủy sản, tinh dầu tràm,... trước hết phải luôn chấp hành đúng pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng với những loài động, thực vật đặc thù.

Phát triển du lịch sinh thái trên đất rừng, anh Khanh thường xuyên nhắc nhở nhân viên giữ môi trường trong lành, tích cực trồng rừng, mở rộng diện tích cây tràm - loài cây đặc trưng của rừng U Minh Hạ, tuân thủ các biện phòng, chống cháy rừng, không khai thác các loài thủy sản theo kiểu tận diệt mà bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái vùng đất ngập nước trong rừng tràm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại thủy sản phát triển.

Anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) giới thiệu về khu rừng tràm và hệ sinh thái ngập nước đang được anh và các hộ dân gìn giữ và bảo tồn. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Đặc biệt, quá trình tổ chức cho du khách trải nghiệm nghề “gác kèo ong” (gác kèo cho ong về làm tổ)và hoạt động “ăn ong” (thu hoạch mật ong) phải hết sức chú ý, không được để xảy ra cháy rừng.

Tại thành phố đảo Phú Quốc, để góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ hệ sinh thái biển đảo, từ giữa năm 2019 đến nay, thành phố này đã duy trì hoạt động có ý nghĩa là chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng thực hiện “Ngày vì môi trường Phú Quốc” với phương châm “Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện.”

Vào ngày này, đông đảo người dân, cán bộ công nhân viên chức thành phố và cả du khách sẽ cùng tham gia các hoạt động tổng vệ sinh, làm sạch các bãi biển, không để rác thải trôi ra biển gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển-đảo; tuyên truyền đến người dân và du khách từng bước hạn chế việc sử dụng các chai nhựa, ống hút nhựa khó phân hủy.

Anh Võ Trường Giang, quản lý một quán ẩm thực ở khu vực Cầu cảng Quốc tế, Phú Quốc chia sẻ, là một người dân thành phố đảo, anh hiểu mình phải giữ gìn môi trường biển đảo luôn sạch, đẹp, bảo vệ nhiều rạn san hô đẹp, biển Phú Quốc xanh, ngày càng đón nhiều du khách, những người làm dịch vụ như anh mới có nguồn thu nhập lâu dài, ổn định.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án Phú Quốc hướng tới hòn đảo không còn rác thải nhựa (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên - WWF) cho biết, Phú Quốc là một trong những thành phố tham gia thực hiện Chương trình hành động Đô thị giảm nhựa - chương trình được thực hiện từ sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa.

Cùng với thành phố Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines), đại diện lãnh đạo thành phố Phú Quốc đã cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.

Thực hiện những nội dung đã cam kết, nhiều chủ cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã có các hoạt động thiết thực góp phần bảo về môi trường, gìn giữ hệ sinh thái biển đảo cho thành phố đảo ngọc như giảm việc sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa; trang bị túi thân thiện môi trường cho du khách nghỉ tại khách sạn, resort của mình khi đi mua sắm./.

Thanh Trà-Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bao-ton-va-phat-trien-cac-he-sinh-thai-o-dong-bang-song-cuu-long/717008.vnp